Nếu như trong quý I/2022, việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thì bước sang quý II, tình hình dần khởi sắc. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã tạo đà tăng trưởng trở lại, góp phần đưa kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng theo kế hoạch năm, Thái Nguyên sẽ hoàn thành và có khả năng bù đắp cho một số chỉ tiêu của năm 2021. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước.
Những kết quả nổi bật
Việc thực hiện các chỉ tiêu KT-XH trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh diễn ra trong bối cảnh trong nước và thế giới đều có những diễn biến khó khăn. Đặc biệt là trong quý I, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, giá một số nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất tăng đã tác động trực tiếp đến kết quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, 3 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) chỉ tăng 5,09%.
Bước sang quý II, dù chịu tác động do giá xăng, dầu liên tục tăng cao, ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng do Thái Nguyên đã kiểm soát được dịch COVID-19 nên mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh dần trở lại bình thường. Vì thế, GRDP đạt tới 8,4%, qua đó, "kéo" chỉ tiêu này trong 6 tháng đầu năm đạt mức 7,08%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2020 và 2021. Những kết quả nổi bật là: Thu ngân sách Nhà nước đạt 9.510 tỷ đồng, bằng 65,3% dự toán Bộ Tài chính giao; giải ngân vốn đầu tư công đạt 2.760 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trong khi cả nước chỉ đạt trên 27%); giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt gần 16,8 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước, bằng 52,5% kế hoạch năm)...
Ông Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, nhận định: Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng này thì khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm của Thái Nguyên là khả thi.
Áp lực vẫn rất lớn
Những kết quả đạt được 6 tháng qua của tỉnh là rất đáng phấn khởi, song cơ quan chức năng dự báo, những tháng tiếp theo còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương: Năm nay, chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp được tỉnh đặt ra là 920 nghìn tỷ. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 6 mới đạt 389 nghìn tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng cuối năm, giá trị sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên phải đạt là 531 nghìn tỷ, tính trung bình mỗi tháng cuối năm phải đạt 88 nghìn tỷ. Điều này có nghĩa là giá trị sản xuất công nghiệp phải tăng 36,4% so với những tháng đầu năm.
Để đạt kế hoạch cả năm (50,4 nghìn tỷ), 6 tháng cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh cần đạt 26,2 nghìn tỷ đồng.
Đại diện Cục Thống kê cho rằng: Nếu những tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng như vài tháng qua thì sẽ có khả năng hoàn thành được mục tiêu kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn tiếp tục có nhiều biến động; giá nguyên, vật liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất có xu hướng tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp thì khả năng hoàn thành mục tiêu trên còn chưa thể khẳng định chắc chắn. Do đó, tỉnh cần có những giải pháp phù hợp.
Tăng trưởng GRDP chịu sự tác động trực tiếp và ảnh hưởng không nhỏ từ chỉ tiêu giá trị sản xuất của các ngành kinh tế (trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng hiện chiếm hơn 2/3 điểm phần trăm trong GRDP). Trong khi tỉnh đặt mục tiêu năm 2022 tăng trưởng GRDP từ 8% trở lên thì với kết quả đã đạt là 7,08%, 6 tháng còn lại, Thái Nguyên phải đạt mức tăng ít nhất là 9%. Các mức tăng trưởng tối thiểu ở từng khu vực phải đảm bảo là: 3,75% đối với khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; 9,49% đối với khu vực công nghiệp - xây dựng; 8,96% khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm.
Giải pháp từ các ngành chức năng
Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị này cho rằng, việc triển khai toàn diện các giải pháp trên từng lĩnh vực cần thiết được quan tâm thực hiện. Trong đó, cần tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện khẩn trương việc giải ngân vốn đầu tư công của cả năm 2022, bao gồm cả vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục động viên các doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kích cầu thị trường nội địa; làm tốt công tác quản lý thị trường; triển khai kết nối thị trường cung cầu lao động, đảm bảo đủ lao động cho doanh nghiệp…
Còn theo kiến nghị từ phía Cục Thống kê, Thái Nguyên cần tiếp tục bám để sát tình hình để đưa ra những giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, duy trì và đẩy mạnh sản xuất.
Với quyết tâm hoàn thành toàn diện các mục tiêu KT-XH cả năm của tỉnh, tại phiên họp ngày 1/7/2022 của UBND tỉnh với các sở, ban, ngành địa phương để triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng đã nhấn mạnh: Tất cả các ngành, địa phương phải rà soát lại toàn bộ chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao của năm 2022 và cả nhiệm kỳ, đối chiếu với kết quả đã thực hiện được để đưa ra các giải pháp cho phù hợp...
Với sự nỗ lực và quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta có quyền kỳ vọng các chỉ tiêu KT-XH của tỉnh sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra, tạo tiền đề để hoàn thành các mục tiêu của cả nhiệm kỳ.