Triển khai Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 14/12/2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công (NCC) và phong trào Đền ơn đáp nghĩa, đời sống của NCC trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian qua không ngừng được cải thiện. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được coi trọng, trở thành phong trào lớn, huy động được sức mạnh toàn dân, toàn diện, tạo cơ hội cho NCC và thân nhân NCC vươn lên trong cuộc sống.
Đã trở thành truyền thống trong suốt 75 năm qua, kể từ ngày Đảng, Nhà nước và Bác Hồ chọn ngày 27-7 hằng năm là một dịp để nhân dân cả nước ghi nhớ công ơn và tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái đối với các liệt sĩ, thương binh, NCC với đất nước trong công cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, công tác chăm lo cho NCC luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm.
Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Thái Nguyên đã có vinh dự đặc biệt được chọn lựa là nơi ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 (tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ). 75 năm qua, cùng với sự phát triển và hoàn thiện chính sách thương binh, liệt sĩ và công tác NCC của cả nước, công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh phát triển sâu rộng.
Nhìn lại giai đoạn 2006-2022, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cấp uỷ, chính quyền và mọi người dân về việc triển khai công tác thương binh, liệt sĩ, NCC và phong trào Đền ơn đáp nghĩa.
Trong giai đoạn này, toàn tỉnh thực hiện công nhận mới hơn 9.500 NCC, trong đó trên 500 trường hợp là người tham gia cách mạng từ ngày 1/1/1945 trở về trước; trên 300 trường hợp người tham gia cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; 4 liệt sĩ; trên 450 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; 4 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; gần 500 trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; trên 7.800 trường hợp hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Nhằm bù đắp sự hy sinh mất mát của NCC và thân nhân NCC, các cấp, ngành chức năng của tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đền ơn đáp nghĩa. Đến nay, hồ sơ NCC được số hóa, thuận lợi cho công tác tra cứu, giải quyết chế độ chính sách. Việc chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho NCC được thông qua dịch vụ bưu điện, giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí không cần thiết và thời gian đi lại của NCC. Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hồ sơ NCC được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông. 100% các chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước được chi trả cho NCC kịp thời, đầy đủ, đúng chính sách. Từ đó, góp phần tạo dựng, củng cố niềm tin của NCC, thân nhân NCC và mọi người dân vào các chủ trương đường lối của Đảng, Chính sách pháp luật Nhà nước.
Lãnh đạo Sở Lao động - TB&XH đến thăm, động viên gia đình ông Trần Xuân Phương, cán bộ tiền khởi nghĩa, ở tổ 10, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên).
Cũng trong giai đoạn này, Thái Nguyên tỉnh đã cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trên 700.000 lượt NCC và thân nhân NCC; điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho trên 99.000 lượt NCC; trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho trên 9.000 lượt NCC; khám, chữa bệnh cho hơn 1,1 triệu lượt NCC, thân nhân NCC; ưu đãi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cho trên 40.000 lượt học sinh, sinh viên thuộc gia đình NCC; thực hiện hỗ trợ nhà ở cho trên 30.000 gia đình NCC, thân nhân NCC; hỗ trợ đất ở cho 147 gia đình NCC.
Bằng việc triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, phong trào “Xóa nghèo đối với hộ gia đình có thành viên là người có công với cách mạng” được triển khai rộng khắp, thu hút sự tham gia, ủng hộ tích cực của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh. Thông qua các đợt vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Thái Nguyên đã nhận được số tiền ủng hộ gần 96 tỷ đồng. Toàn bộ tiền Quỹ được sử dụng để hỗ trợ, trợ cấp đột xuất, tặng quà cho hộ nghèo có thành viên là NCC. Kết quả, đến cuối năm 2021, Thái Nguyên không còn hộ nghèo có thành viên là NCC.
Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27- 7), tỉnh đã tổ chức thăm hỏi động viên, tặng quà 100% hộ gia đình NCC, với tổng kinh phí gần 239 tỷ đồng. Trong thời gian 3 năm trở lại đây, tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 17.300 NCC và thân nhân NCC gặp khó khăn do dịch COVID-19, với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng, trong đó nguồn từ ngân sách Trung ương hơn 18,2 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 7,8 tỷ đồng.
Cùng với chăm lo đời sống cho NCC và thân nhân NCC, việc tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ được tỉnh quan tâm chu đáo. Bằng nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước và xã hội hoá, toàn tỉnh đã có gần 350 công trình ghi công liệt sĩ được xây mới và sửa chữa nâng cấp, với tổng kinh phí gần 165 tỷ đồng. Điển hình như việc tu bổ, tôn tạo Khu Di tích Quốc gia Đại đội 915 (TP. Thái Nguyên); Nghĩa trang liệt sĩ Thái Nguyên - Bắc Kạn (tại tỉnh Quảng Trị ) và Di tích lịch sử Quốc gia 27-7 (Đại Từ).
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tổ chức rà soát, chuẩn hoá, hoàn thiện hồ sơ đối với 125 trường hợp được cho là hy sinh, từ trần, trong đó công nhận liệt sĩ 120 trường hợp, chưa xác định được thông tin 5 trường hợp. Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo 515) của tỉnh đã chủ trì phối hợp với các địa phương thực hiện cất bốc, quy tập 63 hài cốt liệt sĩ, tổ chức lễ truy điệu, bàn giao cho địa phương theo quy định. Sở Lao động - TB&XH cũng đã phối hợp với Cục NCC và UBND các huyện thực hiện lấy mẫu sinh phẩm cho trên 300 phần mộ liệt sĩ.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, những năm tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa. Các cấp, ngành, địa phương linh hoạt tổ chức phong trào Đền ơn đáp nghĩa có chất lượng. Đồng thời, từng bước nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả về công tác chăm sóc NCC, thân nhân NCC, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC”; vận động cán bộ, đảng viên và mọi người dân tích cực ủng hộ xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và sử dụng hiệu quả Quỹ để giúp các gia đình chính sách cải thiện chất lượng cuộc sống. Đặc biệt đối với các trường hợp tham gia kháng chiến nhưng chưa được hướng chế độ ưu đãi của Nhà nước, các cấp, ngành chức năng đồng thuận vào cuộc, giải quyết dứt điểm, bảo đảm công tâm, công bằng, đúng chính sách Nhà nước quy định.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, tỉnh Thái Nguyên có hơn 10.000 liệt sĩ; hơn 12.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; hơn 2.600 bệnh binh; hơn 300 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 580 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 13.500 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hoá học; hơn 93.000 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương. Hiện nay, Thái Nguyên đang quản lý hơn 130.000 hồ sơ NCC, trong đó trên 9.500 hồ sơ NCC được công nhận trong giai đoạn 2006-2022. |