[Trực tuyến]: Khai mạc Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV

07:34, 19/07/2022

Đúng 7h30 phút hôm nay (19-7), Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, chính thức khai mạc trọng thể tại Hội trường lớn Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh.

Dự Kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí: Đỗ Đức Công, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Kỳ họp. Có 65/66 đại biểu HĐND tỉnh tham dự Kỳ họp.

Dự Kỳ họp còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, đại diện các sở, ngành, đơn vị, địa phương.

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ.

Sau phần thông qua dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp, chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, các đại biểu đã nghe đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có bài phát biểu khai mạc tại Kỳ họp, trong đó nêu rõ:

Theo chương trình kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến về 37 nội dung và biểu quyết thông qua 22 Nghị quyết. Trong đó có những nội dung quan trọng sẽ được xem xét thông qua để kịp thời triển khai, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 và mang tính định hướng lâu dài cho những năm tiếp theo. Vì thế, tôi đề nghị các vị đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, chất vấn ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, có trọng tâm, tập trung vào những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và những nội dung mà cử tri và nhân dân quan tâm; đồng thời tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong các ngành, lĩnh vực. Các cơ quan, đơn vị và cá nhân khi trả lời chất vấn cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục rõ ràng, cụ thể, đúng trọng tâm, có lộ trình thực hiện để đại biểu, cử tri giám sát việc thực hiện.

* Bài phát biểu khai mạc của đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Kỳ họp

Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, các cơ quan, đơn vị liên quan đã rất tích cực tham mưu chuẩn bị cho nội dung kỳ họp, các Ban HĐND tỉnh đã nghiên cứu, khảo sát, thẩm tra kỹ lưỡng và báo cáo tại Kỳ họp theo quy định thẩm định. Với tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, tôi trân trọng đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh, các đại biểu tham dự Kỳ họp với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn, khách quan trong thảo luận, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến đối với từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để xây dựng nghị quyết đúng, khả thi cao, sát thực tiễn, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng niềm tin, sự mong đợi của cử tri và nhân dân...

Tiếp đó, các đại biểu lần lượt nghe các báo cáo, tờ trình

- Từ 7 giờ 45 phút đến 8 giờ 5 phút: Đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2022.

Tình hình KT-XH những tháng đầu năm 2022 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giá một số nguyên vật liệu phục vụ sản xuất biến động tiêu cực đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Song với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện “mục tiêu kép” nên tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm vẫn đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn ước đạt 7,08%, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,51%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,25%; khu vực dịch vụ tăng 5,89%.

 Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt 389,1 nghìn tỷ đồng, tăng trên 9% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu ước đạt 17,2 tỷ USD, tăng 32,3%, bằng 53,6% cả năm. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 9.528,3 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ, bằng 52,9% dự toán cả năm. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 7.813 tỷ đồng, tăng 3,83% so với cùng kỳ, bằng 51,5% kế hoạch cả năm.

Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại như: Khu vực nông nghiệp mặc dù duy trì đà tăng trưởng ổn định nhưng quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp. Tăng trưởng của ngành dịch vụ vẫn phụ thuộc vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ công và hoạt động thương mại, trong đó cơ cấu thị phần bán lẻ của kinh tế cá thể vẫn chiếm tỷ trọng lớn…

Trên cơ sở này, UBND tỉnh đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Từ 8 giờ 10 phút đến 8 giờ 23 phút: Đồng chí Đỗ Đức Công, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, trình bày Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022 của Thường trực HĐND tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công 2 kỳ họp chuyên đề đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định pháp luật.

Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị liên tịch với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, các cơ quan tư pháp để thống nhất dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp. Trên cơ sở những nội dung đã thống nhất, Đảng Đoàn HĐND tỉnh đã báo cáo, xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ để triển khai thực hiện. Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận đối với 37 báo cáo, đề án, tờ trình và dự kiến thông qua 22 nghị quyết.

Theo đánh giá, các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của địa phương. Chất lượng hoạt động giám sát, khảo sát, thẩm tra của HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh ngày càng được nâng lên, các kiến nghị sau giám sát đã được UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị nghiêm túc tiếp thu và triển khai thực hiện. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân có nhiều chuyển biến tích cực. Các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tham gia hoạt động dân cử với tinh thần trách nhiệm cao, vai trò ngày càng được khẳng định.

Từ 8 giờ 23 phút đến 8 giờ 36 phút: Đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trình bày Thông báo hoạt động của Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm, Uỷ ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tập trung bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội. MTTQ tỉnh đã tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh với chính quyền các cấp; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Bên cạnh đó, tổ chức Mặt trận thực hiện đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, góp phần cùng với chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phòng, chống dịch COVID-19, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Các phóng viên tác nghiệp tại Kỳ họp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ rõ một số hạn chế như: Chất lượng hoạt động chưa đồng đều; công tác nắm bắt, phản ánh tình hình nhân dân có lúc chưa kịp thời; hoạt động phản biện xã hội chất lượng chưa cao; việc xây dựng và nhân rộng mô hình tiêu biểu chưa nhiều…

Từ 8 giờ 36 phút đến 8 giờ 40 phút: Đồng chí Nguyễn Linh, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trình bày Tờ trình về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tỉnh nhằm mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại, cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030; trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung nhiều giải pháp mang tính đột phá, như: Phát triển cơ sở hạ tầng khu vực phía Nam, ưu tiên giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số và phát triển kinh tế số, xã hội số; chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; phát triển nguồn nhân lực địa phương, nhân lực chất lượng cao; quan tâm chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào các dân tộc thiểu số...

Quy hoạch cũng đưa ra các phương án theo ngành, lĩnh vực, mạng lưới giao thông, năng lượng và mạng lưới cấp điện, mạng lưới viễn thông, thủy lợi, cấp nước, khu xử lý chất thải, quốc phòng - an ninh; các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; tổ chức hệ thống đô thị; sử dụng đất đến hết năm 2030...

Từ 8 giờ 40 phút đến 8 giờ 50 phút: Trình chiếu hình ảnh Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc đặt tên 23 đường, phố, công trình công cộng mới và điều chỉnh độ dài 9 tuyến đường trên địa bàn TP. Phổ Yên.
Trong số 23 đường, phố, công trình công cộng mới được đặt tên, có 5 tuyến đường, 17 tuyến phố và 1 công trình công cộng. Cụ thể, 5 tuyến đường mới gồm: Đường Vạn Xuân (đường đi qua quảng trường trung tâm TP. Phổ Yên); đường Võ Nguyên Giáp (điểm đầu:  Điểm giao cắt giữa đường 47m và đường ĐT.261 thuộc phường Hồng Tiến; điểm cuối: Giao  đường Vành đai 5, phường Tân Hương); đường Hoàng Hoa Thám (điểm đầu: ĐT.266 Km0+00, tổ dân phố Mãn Chiêm, phường Hồng Tiến; điểm cuối: ĐT266 Km1+800, Khu công nghiệp Điềm Thuỵ B, tổ dân phố Mãn Chiêm, phường Hồng Tiến - giáp huyện Phú Bình); đường Dương Tự Minh (điểm đầu: ĐT.266 Km1+350, Khu công nghiệp Điềm Thuỵ B đầu cầu 17, tổ dân phố Giếng, phường Hồng Tiến; điểm cuối: Cây xăng Hoà Bỉ, phường Tân Hương); đường Hoà Bình (điểm đầu ĐT.261 Km38 chân cầu Đẫm, phường Đắc Sơn; điểm cuối ĐT.261 Km22+500 - giáp huyện Đại Từ). 
17 tuyến phố mới: Khúc Thừa Dụ, Nguyễn Chí Thanh, Thái Bình, Lưu Nhân Chú, Trần Đăng Ninh, Hồ Tùng Mậu, Bùi Thị Xuân, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trung Trực, Chu Văn An, Yết Kiêu, 21-8, Nguyễn Du, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Lê Lai. 
1 công trình công cộng: Quảng trường Vạn Xuân (giáp khu hành chính của thành phố). 
9 tuyến đường điều chỉnh độ dài gồm: Tôn Đức Thắng (tăng từ 3,5km thành 5,55km); Triệu Quang Phục (từ 1,8km thành 3,67km); Trần Nguyên Hãn (từ 1,3km thành 3,9km); Ngô Gia Tự (từ 0,9km thành 2,2km); Lý Nam Đế (từ 1,65km thành 9,05km); Nguyễn Thị Minh Khai (từ 1km thành 1,75km); Lý Thiên Bảo (từ 1,1km thành 3,8km); Võ Thị Sáu (từ 0,5km thành 1,2km); Phạm Tu (từ 1,6km thành 2,4km).

Từ 8 giờ 50 phút đến 8 giờ 58 phút: Đồng chí Nguyễn Minh Quang, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, trình bày Tờ trình dự thảo nghị quyết quy định phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh.

Quy định được áp dụng cho tổ chức, cá nhân đề nghị giải quyết thủ tục hành chính qua hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cơ quan, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính qua hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về hình thức thu, đối với các loại phí: Mức thu đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 quy định bằng mức thu phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại các nghị quyết hiện hành của HĐND tỉnh và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Đối với các loại lệ phí: Mức thu lệ phí bằng 50% mức thu lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại các nghị quyết hiện hành của HĐND tỉnh và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Đối tượng được miễn giảm; chế độ miễn, giảm và chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Thực hiện theo quy định như đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Từ 8 giờ 58 phút đến 9 giờ 39 phút: Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, có bài phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu bật những kết quả đạt được của tỉnh trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời nhấn mạnh: Bên cạnh những thuận lợi, dự báo tình hình trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, thời tiết, dịch bệnh có những diễn biến phức tạp cùng với những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến phát triển KT-XH và đời sống nhân dân. Vì vậy, những tháng còn lại của năm, toàn tỉnh cần nỗ lực phấn đấu để thực hiện các chỉ tiêu trong kế hoạch năm 2022 đã đề ra…

* Bài phát biểu tại phiên khai mạc của đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Sau phần phát biểu đáp từ của đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu nghỉ giải lao.

Từ 9 giờ 53 phút: Kỳ họp tiếp tục làm việc tại Hội trường. Các đại biểu theo dõi trình chiếu bằng hình ảnh Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 và các ý kiến, kiến nghị tại Nghị quyết số 191/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh.

Theo đó, tổng số ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 và các ý kiến, kiến nghị tại Nghị quyết số 191/NQ-HĐND là 106 ý kiến, kiến nghị. Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất chuyển 9 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương; 1 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của HĐND tỉnh; 7 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện; số ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền cấp tỉnh cần xem xét, giải quyết là 89.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã tiếp thu, giải quyết và trả lời 100% các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong số 89 ý kiến thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, có 18 ý kiến, kiến nghị đã giải quyết xong; 44 ý kiến, kiến nghị đang giải quyết; 27 ý kiến, kiến nghị thuộc nội dung giải trình, thông tin với cử tri. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri ngày càng chặt chẽ, trách nhiệm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri còn một số hạn chế, như: Việc tổng hợp, phân loại một số ý kiến còn chưa cụ thể, chưa đúng thẩm quyền giải quyết; một số ý kiến, kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm; có trường hợp trả lời chưa rõ, chưa sát với ý kiến của cử tri...

Từ 10 giờ 12 phút đến 10 giờ 22 phút: Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Nga, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIV.

Để chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIV, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tổ chức 52 hội nghị để đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc với 5.203 cử tri, tiếp nhận 336 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp 72 kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh và 4 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương.

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri tâp trung vào một số vấn đề: Nâng cấp, cải tạo một số tuyến đường đã xuống cấp để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; tình trạng ô nhiễm môi trường; đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện hạ tầng các khu cụm công nghiệp, khu dân cư…

Từ 10 giờ 22 phút đến 10 giờ 40 phút: Đồng chí Hà Văn Dương, Ủy viên UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, trình bày Báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIV.

Căn cứ Báo cáo số 168/BC-HĐND ngày 30/11/2021 của HĐND tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XIV, UBND tỉnh đã giao thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, đơn vị tham mưu giải quyết ý kiến của cử tri.

Theo đó, các ý kiến, kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh trả lời phân theo từng địa phương cụ thể. UBND tỉnh cũng phân loại những ý kiến cử tri kiến nghị nhiều lần qua các kỳ họp để tổng hợp, trả lời thành nhóm vấn đề.

Trong số các nội dung trả lời, có một số ý kiến, kiến nghị đáng chú ý đã được các cơ quan trả lời như: Cử tri phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên) đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có liên quan sớm có phương án di chuyển Công ty ván ép Việt Bắc để triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị số 3 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu tái định cư Tân Tiến, xã Tân Quang (TP. Sông Công); việc giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan đến khu tái định cư cho các hộ dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc thuộc huyện Đại Từ…

Tại báo cáo này, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quá trình giải quyết và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cả tri được UBND tỉnh giao chủ trì giải quyết tại Báo cáo này...

Từ 10 giờ 40 phút đến 10 giờ 55 phút: Đồng chí Lê Văn Tâm, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày Báo cáo thẩm tra và kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh.

Thực hiện kế hoạch công tác và chương trình giám sát năm 2022, 6 tháng đầu năm, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công theo đúng kế hoạch và đảm bảo chất lượng.

Cụ thể: Giám sát thường xuyên đối với việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; tổ chức khảo sát việc phân bổ, sử dụng kinh phí thuộc nhiệm vụ chi các hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021; tham gia đoàn của Thường trực HĐND tỉnh khảo sát việc triển khai và kết quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh...

Để chuẩn bị nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 5, thứ 6 và thứ 7 HĐND tỉnh khóa XIV, Ban đã chủ trì thẩm tra 33 báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết và phối hợp thẩm tra 13 nội dung đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định. Trong thời gian giữa hai kỳ họp, Ban đã chủ trì thẩm tra 7 nội dung, phối hợp tham gia vào 16 nội dung...

Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIV, Ban Kinh tế - Ngân sách được phân công chủ trì thẩm tra 9 báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết và phối hợp với các ban HĐND tỉnh thẩm tra 7 tờ trình và dự thảo nghị quyết...

Từ 10 giờ 55 phút đến 11 giờ 5 phút: Đồng chí Trần Văn Khương, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh trình bày Báo cáo thẩm tra và kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022 của Ban Pháp chế.

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Pháp chế đã thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ  khảo sát, giám sát thường xuyên theo quy định đối với công tác thi hành pháp luật, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đối với công tác thẩm tra, để chuẩn bị nội dung cho các kỳ họp HĐND tỉnh, theo sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh, tại Kỳ họp thứ 5, thứ 6, thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIV, Ban Pháp chế đã chủ trì thẩm tra 13 nội dung báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết và phối hợp với các ban HĐND tỉnh thẩm tra 34 báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết khác theo quy định...

Về kết quả thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 7, thực hiện sự phân công của Thường trực HĐND, Ban Pháp chế đã chủ trì thẩm tra 11 nội dung báo cáo,  tờ trình, dự thảo nghị quyết và phối hợp với các Ban HĐND tỉnh thẩm tra 7 báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết khác theo quy định...

Từ 11 giờ 5 phút đến 11 giờ 14 phút: Đồng chí Ân Văn Thanh, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh trình bày Báo cáo thẩm tra và kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022 của Ban Dân tộc.

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Dân tộc đã xây dựng kế hoạch và tiến hành giám sát chuyên đề về tình hình phát triển KT-XH, ổn định sản xuất và đời sống tại các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh; tiến hành khảo sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại một số xóm, bản đặc biệt khó khăn, chính sách hỗ trợ học sinh tại các trường dân tộc nội trú, bán trú...

Kết quả hoạt động giám sát, khảo sát là căn cứ thực tiễn phục vụ việc thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp của HĐND tỉnh. Đồng thời, là căn cứ để Ban Dân tộc kiến nghị với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Về công tác thẩm tra, Ban Dân tộc đã tích cực tham gia chuẩn bị nội dung, chương trình 3 kỳ họp của HĐND tỉnh (2 kỳ họp chuyên đề và 1 kỳ họp thường lệ) và các phiên họp  của Thường trực HĐND tỉnh. Ban đã chủ trì thẩm tra 6 tờ trình và dự thảo nghị quyết; phối hợp với các ban HĐND tỉnh thẩm tra 39 tờ trình và dự thảo nghị quyết. Trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh, Ban Dân tộc đã chủ trì và phối họp thẩm tra 25 nội dung để tham mưu giúp Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến đối với những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền...

Từ 11 giờ 14 phút đến 11 giờ 22 phút: Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Nga, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội  HĐND tỉnh trình bày Báo cáo thẩm tra và kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022 của Ban Văn hóa - Xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Văn hóa - Xã hội đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Ban thực hiện giám sát thường xuyên đối với việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND tỉnh trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin, thể dục thể thao và chính sách tôn giáo. Thông qua hoạt động giám sát thường xuyên, Ban đã kịp thời kiến nghị các giải pháp cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, đây cũng là căn cứ thực tiễn để Ban thực hiện công tác thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp của HĐND tỉnh.

Để chuẩn bị nội dung 3 kỳ họp của HĐND tỉnh, thực hiện sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban đã chủ trì thẩm tra 12 báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết (trong đó, 6 nghị quyết quy phạm pháp luật, 6 nghị quyết cá biệt); phối hợp với các ban HĐND tỉnh thẩm tra 20 báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh, Ban đã phối hợp thẩm tra 23 nội dung để tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh trả lời UBND tỉnh theo quy định.

Ngoài ra, Ban đã chủ trì và phối hợp với các ban HĐND tỉnh nghiên cứu, tham mưu để Thường trực HĐND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch khảo sát, giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 của HĐND tỉnh và các ý kiến, kiến nghị tại Nghị quyết số 191/NQ-HĐND ngày 10/12/2021...

Tiếp đó, Kỳ họp thực hiện quy trình công tác cán bộ về việc bầu bổ sung một Phó chủ tịch UBND tỉnh và thông báo danh sách chia tổ thảo luận trước khi kết thúc chương trình làm việc buổi sáng.