Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia, để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Vì mục tiêu này, từ năm 2009, Chính phủ đã quyết định chọn ngày 1-7 hằng năm là Ngày BHYT Việt Nam. Từ đó đến nay, chính sách BHYT ngày càng đi vào cuộc sống, số người tham gia BHYT không ngừng gia tăng.
Dù sức khỏe tốt và không thường xuyên đau ốm nhưng bà Nguyễn Thị Nhung, tổ dân phố Giang Bình, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) vẫn đều đặn mua BHYT cho bản thân và cả gia đình. Có trong tay tấm thẻ BHYT, bà Nhung đi khám bệnh ngay khi thấy người không được khỏe và được bác sĩ chẩn đoán, điều trị sớm nhiều bệnh. Bà Nhung bảo: Nhà tôi chủ yếu làm ruộng, trồng chè nên mua BHYT cho cả gia đình cũng là một khoản chi không hề nhỏ. Dù vậy, gia đình tôi không bao giờ phân vân có nên hay không nên mua BHYT mà luôn lựa chọn mua từ sớm. Thực tế nhiều năm qua, BHYT đã trở thành điểm tựa cho cả gia đình mỗi khi ốm đau, bệnh tật.
Cũng theo bà Nhung, tham gia BHYT hộ rất có lợi, bởi mức hưởng BHYT vẫn tuân theo nguyên tắc chung, nhưng mức đóng lại được giảm dần cho các thành viên trong gia đình. Cụ thể, mức đóng của người thứ nhất được tính bằng 4,5% mức lương cơ sở; mức đóng của người thứ hai bằng 70% mức đóng của người thứ nhất; người thứ ba bằng 60% mức đóng của người thứ nhất; người thứ tư bằng 50% mức đóng của người thứ nhất… Điều này rất tiết kiệm chi phí cho gia đình.
Tương tự, BHYT cũng là điểm tựa của gia đình chị Lý Thị Hài, hộ nghèo ở xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ). Điều kiện kinh tế khó khăn, chị Hài ít khi quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, từ khi được cấp thẻ BHYT, cộng với sự tư vấn, hỗ trợ của cán bộ y tế xã, chị Hài chịu khó đi khám bệnh hơn. Chị Hài cho biết: Trước đây, có lần tôi ốm, nằm bẹp trên giường cả tuần, chẳng biết điều trị như thế nào lại không đủ tiền đi bệnh viện. Từ khi có thẻ BHYT, tôi lên trạm y tế xã khám ngay khi có biểu hiện đau ốm. Nhờ được các y, bác sĩ chăm sóc tận tình, tôi nhanh chóng khỏi bệnh để tập trung vào làm việc.
Điều trị bệnh cho ngươi·có thẻ BHYT tại Khoa Huyết học, Bệnh viện A Thái Nguyên. Ảnh: Ngô Phương (BHXH tỉnh).
Gia đình bà Nhung, chị Hài chỉ là 2 trong số hàng chục vạn hộ dân trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thái Nguyên, đến hết tháng 5-2022, toàn tỉnh có 1.206.272 người tham gia BHYT, tăng hơn 1,3 lần so với năm 2012, đạt tỷ lệ bao phủ 92,23%. Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 31-5, ngành BHXH đã chi trên 454,5 tỷ đồng cho hoạt động khám, chữa bệnh BHYT.
Để có được kết quả này, thời gian qua, BHXH các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương… tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân về chính sách BHYT. Bên cạnh cách làm truyền thống, BHXH các cấp đã tăng cường truyền thông trên môi trường Internet, đồng thời tổ chức các chiến dịch mở rộng cài đặt ứng dụng BHXH số (VssID) trên điện thoại thông minh cho người dân.
Những năm qua, BHXH tỉnh cũng thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận tiện, giảm thời gian chờ đợi của người dân khi thực hiện khám, chữa bệnh bằng BHYT. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các bệnh viên, cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là khám, chữa bệnh BHYT. Một điểm mới đang được áp dụng trong năm 2022 là việc tích hợp BHYT trong thẻ căn cước công dân. Hiện nay, hơn 478.157 người dân trên địa bàn tỉnh đã được đồng bộ thông tin BHYT trên dữ liệu căn cước công dân. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.250 lượt tiếp nhận khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân tại 105/223 các cơ sở khám, chữa bệnh. Đây là tín hiệu vui, báo hiệu những cải tiến lớn về thủ tục khám, chữa bệnh bằng BHYT trong thời gian tới…
Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, thông tin: Trong thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Trong công tác tuyên truyền, BHXH các cấp trên địa bàn tỉnh sẽ đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông; phát huy ưu thế các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện trên Internet; đảm bảo người dân có thể tiếp cận tốt nhất với mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, đồng thời mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT... Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả; vừa kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, tối ưu quỹ BHYT và đảm bảo quyền lợi của người tham gia.