Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp nhiều công trình phòng, chống thiên tai. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, các công trình này đã góp phần tích cực đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Công trình kè khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông bảo vệ khu dân cư phường Tân Phú (TP. Phổ Yên) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm 2022. |
Đến phường Tân Phú (TP. Phổ Yên) vào một ngày cuối tháng Tám, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của bà con vùng “rốn lũ” khi công trình kè khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông bảo vệ khu dân cư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài kè hơn 3,6km, kết cấu bê tông cốt thép, dọc thân kè có bố trí 14 cống thoát nước dân sinh. Công trình hoàn thành đã góp phần bảo vệ nhà ở và đất nông nghiệp của hơn 120 hộ, giúp bà con ổn định đời sống và phát triển sản xuất.
Ông Trần Viết Sửu, một hộ dân ở tổ dân phố Đình, chia sẻ: Trước đây, vào mùa mưa, nước sông Cầu dâng cao và chảy xiết, khu vực này thường xuyên bị sạt lở. Vì vậy, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị cuốn trôi, nguy cơ xói lở nhà cửa, tài sản luôn thường trực nên chúng tôi rất lo lắng. Từ khi công trình kè hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân không còn lo bị lũ cuốn trôi nhà đất, ruộng vườn như trước nên bà con yên tâm lao động sản xuất, sinh hoạt. Cùng với kè, tuyến đường giao thông cũng được xây dựng, tạo nên diện mạo mới khang trang cho khu dân cư, chúng tôi rất phấn khởi.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài công trình kè Tân Phú, trong giai đoạn 2020-2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tiến hành đầu tư sửa chữa, nâng cấp 11 hồ đập. Trong đó, có thể kể tên một số hồ lớn như: Hồ Suối Lạnh, xã Thành Công (TP. Phổ Yên); hồ Khuôn Nanh, xã Yên Lãng (Đại Từ); hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (TP. Sông Công); hồ Nà Tấc, xã Lam Vỹ (Định Hóa); hồ Nà Kháo, xã Phú Thượng (Võ Nhai); hồ Bảo Linh, xã Bảo Linh (Định Hóa)...
Việc sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du đập, phát huy nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, cải tạo cảnh quan môi trường vùng dự án, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) đã được sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn. |
Đối với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, đơn vị được tỉnh giao quản lý hệ thống hồ đập lớn trên địa bàn cũng đã tiến hành duy tu, sửa chữa một số công trình. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, Công ty đã bố trí kinh phí hàng chục tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa các hồ như: Hồ Đồng Tâm, xã Phúc Lương và hồ Cây Nhừ, xã Phú Lạc (Đại Từ); hồ Bó Vàng, xã Thanh Định và hồ Thẩm Ngược, xã Tân Dương (Định Hóa); các hồ Đèo Khê, Bạch Thạch, La Đao, ở xã Tân Kim và hồ Đồng Đình, xã Bảo Lý (Phú Bình); hồ Thâm Quang ở xã Hợp Thành, hồ Núi Mủn ở xã cổ Lũng và hồ Nậm Dất, xã Yên Trạch (Phú Lương). Ngoài ra, Công ty cũng đã đưa vào kế hoạch sửa chữa 13 công trình hồ, đập ở các huyện Đại Từ, Định Hóa, Phú Bình, Đồng Hỷ.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, cho biết: Công ty được tỉnh giao quản lý 199 hồ, đập. Hầu hết các hồ chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, phần lớn kết cấu đập làm bằng đất lu lèn, hiện đã bị xuống cấp. Hằng năm, Công ty có bố trí vốn để đầu tư nâng cấp, tu bổ nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chúng tôi cũng chỉ sửa chữa được những công trình, vị trí xung yếu. Vì vậy, Công ty rất mong Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Thái Nguyên và các cấp, ngành tạo điều kiện về kinh phí để Công ty khắc phục sửa chữa, cải tạo kịp thời nhằm đảm bảo an toàn hồ đập và cấp nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho hay: Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức rà soát, đánh giá những rủi ro, nguy cơ có thể gặp phải khi xảy ra thiên tai tại các khu vực xung yếu ở các hồ đập đã bị hư hỏng, xuống cấp để có phương án ứng phó. Cùng với đó, đề xuất bố trí nguồn vốn để xây dựng các công trình phòng chống thiên tai. Đến nay, các công trình phòng chống thiên tai đã được đầu tư đều đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả theo mục tiêu dự án đề ra.
Còn theo ông Bùi Tiến Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh: Xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai cũng là một trong những giải pháp trọng yếu nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Vì vậy, hằng năm, khi được tỉnh bố trí kinh phí, chúng tôi đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả sau đầu tư. Từ nay đến cuối năm, Ban Quản lý tiếp tục đẩy nhanh tiến độ một số công trình phòng, chống thiên tai xung yếu tại các địa phương.
Có thể khẳng định, việc tập trung đầu tư xây mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai đồng bộ sẽ góp phần tăng khả năng chống chịu của các công trình trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của tình hình thời tiết. Từ đó, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin