La Hiên - xã cửa ngõ của huyện Võ Nhai, nối liền với huyện Đồng Hỷ, TP. Thái Nguyên và là đầu mối quan trọng kết nối 6 xã phía Bắc với các xã khác trong huyện. Chính tại nơi đây, 77 năm trước, chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai được thành lập và là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên. La Hiên hôm nay đang chuyển mình đi lên, là một trong những địa phương đi đầu của huyện Võ Nhai trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Trong nông nghiệp, nông dân La Hiên đã ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao. |
Những ngày Thu lịch sử, chúng tôi trở về La Hiên - vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi ghi dấu chiến công hiển hách của Cứu quốc quân II và bà con nhân dân địa phương giành chính quyền từ thực dân Pháp xâm lược, thành lập nên chính quyền cấp huyện đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên.
Dù bận rộn hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ quả na đang chính vụ thu hoạch rộ, nhưng Chủ tịch UBND xã Tầm Văn Cử vẫn dành thời gian chia sẻ với chúng tôi về những ngày Thu lịch sử của La Hiên. Ông cho biết: La Hiên có truyền thống đấu tranh cách mạng từ rất sớm. Từ cuối những năm 1930, ngọn lửa cách mạng đã nhen nhóm tại đất này. Nhân dân khắp nơi trong xã đoàn kết một lòng đấu tranh chống thực dân Pháp. Người dân La Hiên đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh phản đối sưu cao, thuế nặng của thực dân Pháp.
Ngày 15/9/1941, tại rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá), đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố thành lập Trung đội Cứu quốc quân II với 36 cán bộ, chiến sĩ. Ban Chỉ huy Trung đội gồm 3 người do đồng chí Chu Văn Tấn làm Chỉ huy trưởng. Với trang bị vũ khí thô sơ, điều kiện vật chất thiếu thốn nhưng tràn đầy tinh thần yêu nước, dũng cảm quên mình, các chiến sĩ Trung đội Cứu quốc quân II đã xả thân mình vào cuộc chiến đấu với quân thù, lập nhiều chiến công hiển hách. Khi đó, không ít người dân La Hiên cũng đã tình nguyện gia nhập và tiếp tế cho Trung đội.
Cứu quốc quân II đang hội ý, rút kinh nghiệm sau trận đánh địch ở đèo Bắp, suối Bùn. Ảnh: T.L |
Năm 1945, nhận thấy vị trí cửa ngõ của La Hiên, thực dân Pháp tăng cường lực lượng nhằm quyết tâm bảo vệ châu lỵ La Hiên. Đêm 20/3/1945, lực lượng cách mạng do đồng chí Thái Long (Nông Văn Cún) chỉ huy, với hơn 300 người dân La Hiên bao vây châu lỵ La Hiên, kêu gọi địch đầu hàng. Gặp sự chống trả của địch, quân và dân La Hiên đã cùng lực lượng Cứu quốc quân nổ súng tiêu diệt hàng chục tên Pháp, bắt sống trên 100 tên lính khố xanh, lính dõng…
Gần sáng 21/3/1945, toàn bộ châu lỵ La Hiên được giải phóng. Ngay sáng hôm đó, chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện Võ Nhai đã được thành lập và ra mắt nhân dân. Sự kiện này như tiếp thêm sức mạnh, động viên nhân dân Võ Nhai và cả tỉnh Thái Nguyên vùng lên giành chính quyền.
Từ truyền thống quý báu đó, chính quyền và người dân La Hiên luôn đoàn kết xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Năm 2017, La Hiên được công nhận là xã nông thôn mới và tính đến cuối năm 2021, xã đạt 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Toàn xã hiện có gần 30km đường xã và trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa; gần 32km đường trục xóm và liên xóm được bê tông hóa; gần 25km đường ngõ xóm, trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia; 7/8 trường học đạt chuẩn Quốc gia; 100% xóm có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao; trên 85% số hộ có nhà đạt tiêu chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,95%...
Hiện, toàn xã La Hiên có gần 320 ha trồng na đặc sản với sản lượng trên 3 nghìn tấn mỗi năm, chiếm gần 60% diện tích và hơn 65% sản lượng na trong huyện. |
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã chuyển dần sang phát triển sản xuất hàng hóa, hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng canh tác cải tiến, sử dụng các loại giống cho năng suất, chất lượng cao. Cây ăn quả trở thành cây trồng chủ lực đem lại thu nhập cao cho người dân La Hiên, đặc biệt là cây na.
Hiện, toàn xã có gần 320ha trồng na đặc sản (trong đó 105ha được cấp chứng nhận VietGAP) với sản lượng trên 3 nghìn tấn mỗi năm, chiếm gần 60% diện tích và hơn 65% sản lượng na trong huyện. Năm 2021, riêng sản phẩm na đã đem về cho La Hiên gần 80 tỷ đồng doanh thu. Xã cũng phát triển thành công một số cây ăn quả đặc sản khác được thị trường ưa chuộng như: Bưởi, nhãn, vải, thanh long… La Hiên cũng là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất tại Võ Nhai với trên 440ha, chiếm gần 30% tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện.
Cùng với phát triển kinh tế, La Hiên cũng chú trọng quan tâm tới thực hiện các chính sách xã hội, chính sách người có công. Bên cạnh việc chi trả chế độ đúng thời gian, đúng đối tượng, xã thường xuyên thăm hỏi và vận động các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chăm lo cho các gia đình chính sách. Chính vì vậy, toàn xã không còn hộ nghèo có thành viên là người có công. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng là nguồn động viên các thương binh, bệnh binh trên địa bàn không ngừng phấn đấu vươn lên, trở thành tấm gương sáng về phát triển kinh tế - xã hội.
Song song với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, La Hiên cũng đang thực hiện chỉ đạo của tỉnh triển khai các giải pháp nâng cấp đô thị La Hiên đạt đô thị loại II vào năm 2025. Ông Tầm Văn Cử cho biết thêm: Trong suốt quá trình phát triển, xã La Hiên nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự đồng lòng, chung sức của người dân.
Chính vì vậy, Đảng bộ, chính quyền xã luôn nỗ lực phấn đấu theo truyền thống kiên cường của vùng đất quê hương cách mạng, trở thành vùng đất có nền nông nghiệp phát triển năng động, chuyển mình cùng sự đi lên của vùng cao Võ Nhai. Trước mắt, chúng tôi phấn đấu “về đích” nông thôn mới nâng cao đúng theo lộ trình vào cuối năm 2022 và hoàn thành các chỉ tiêu, trở thành đô thị loại II - thị trấn La Hiên và cuối năm 2025 theo tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh và huyện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin