Xử lý tình trạng úng ngập tại TP. Thái Nguyên: Đâu là giải pháp? (kỳ 1)

L.H 09:57, 21/09/2022

Từ vài năm trở lại đây, cứ sau mỗi trận mưa, nhiều tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn TP. Thái Nguyên rơi vào tình cảnh “phố cũng như sông”,  ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Vậy thực trạng hệ thống thoát nước của thành phố hiện ra sao và đâu là giải pháp để cải thiện tình trạng này? Nhóm phóng viên Báo Thái Nguyên đã tìm hiểu thực tế, làm việc với các cơ quan chuyên môn để tìm câu trả lời.

Kỳ 1: Hễ mưa là ngập

Khu vực ngã tư Hoàng Gia (thuộc đường Quang Trung, phường Tân Thịnh) thường xuyên bị ngập mỗi khi trời mưa to. Ảnh: C.T.V

Có thể thấy, tình trạng úng ngập cục bộ ở TP. Thái Nguyên trong vài năm trở lại đây luôn là vấn đề "nóng", được người dân quan tâm, đặc biệt là mỗi khi xảy ra mưa lớn. Tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi các ao, hồ thu gom nước lại ngày càng bị thu hẹp là được xác định là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng úng ngập trên địa bàn thành phố. Thêm vào đó, còn có nguyên nhân do hệ thống thoát nước chưa đồng bộ và vẫn còn tình trạng người dân xả rác, vật liệu xây dựng xuống cống, lấn chiếm bề mặt cống để kinh doanh...

Hồ bị thu hẹp, cống bị lấn chiếm

Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến, Minh Cầu, Quang Trung, Dương Tự Minh… là các tuyến đường thường xuyên bị ngập úng mỗi khi trời mưa to. Và có một thực tế là tại các tuyến đường này, việc người dân tự ý lấn chiếm bề mặt cống để xây dựng, kinh doanh diễn ra khá phổ biến. Việc này khiến các đơn vị quản lý không thể tiến hành duy tu, nạo vét cống.

Đơn cử như trên đường Lương Ngọc Quyến, đoạn cống thoát nước cạnh các số nhà 347, 270 hay gần Vincom đã bị hộ dân lấn chiếm. Thời điểm hiện tại, đoạn cống trên bốc mùi hôi thối, gây mất vệ sinh môi trường. Mặc dù vậy nhưng nhiều năm qua, đơn vị chức năng không thể tiến hành nạo vét, vì không có hành lang thi công do người dân đã sử dụng mặt cống để kinh doanh.

Tương tự, tại nhiều vị trí khác trên các tuyến đường Lương Ngọc Quyến, Cách mạng tháng Tám, Minh Cầu… hành lang cống đều đã bị người dân lấn chiếm để kinh doanh hoặc xây dựng công trình tạm, khiến việc duy tu, nạo vét gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được. Thực tế này khiến hệ thống thoát nước của TP. Thái Nguyên ngày càng quá tải, dẫn đến việc hình thành nhiều “điểm nóng” về ngập úng khi xảy ra mưa lớn.

Có thể kể một số điểm thường xuyên ngập sâu như: Đường Lương Ngọc Quyến đoạn qua cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; khu vực ngã tư giao giữa đường Quang Trung và đường Z115; đường Minh Cầu khu vực gần Siêu thị Minh Cầu; ngã tư giao giữa đường Lương Ngọc Quyến và đường Lê Quý Đôn; khu vực đảo tròn Gang Thép…

Nhiều hộ dân ở lô 2, đường Lương Ngọc Quyến (thuộc phường Đồng Quang) lấn chiếm hành lang để xây dựng các công trình, khiến cơ quan chức năng không thể thực hiện nạo vét cống thoát nước.

Ngoài nguyên nhân do hành lang cống thoát nước bị lấn chiếm, khiến việc nạo vét không thể thực hiện, làm chậm tốc độ dòng chảy thì trên nhiều tuyến đường, việc thu nước đa phần bằng bỏ vỉa hàm ếch, nên khả năng thoát nước kém và ít cửa thu.

Ngoài ra, do tốc độ đô thị hóa nhanh nên một số khu vực ruộng trũng, ao, hồ nhỏ có khả năng tích trữ nước khi mưa to đã không còn. Đặc biệt, vỉa hè trên các tuyến đường cũng bị “bê tông hóa” bằng vật liệu xây dựng không thấm nước, dẫn đến dòng chảy của nước mưa không được chặn lại.

Kèm theo đó, thời tiết thay đổi cực đoan, ngày càng xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập úng.

Nỗi niềm của người dân  

Cứ vào mùa mưa, hầu như năm nào người dân TP. Thái Nguyên cũng phải sống chung với cảnh đường phố bị ngập sâu trong nước, có những điểm trũng ngập từ 0,5 mét đến hơn 1 mét khiến người và phương tiện không thể di chuyển. Bởi vậy, người tham gia giao thông đành phải lựa chọn nhiều đoạn đường tắt, đường tránh, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, nhất là vào giờ tan tầm. Ngoài ra, nhiều khu dân cư bị nước úng cục bộ dâng cao tràn vào nhà cửa, gây xáo trộn đời sống nhân dân.

Chị Nguyễn Thị Miền, một hộ dân ở phường Phan Đình Phùng, chia sẻ: Nếu trời mưa to vào đầu giờ sáng, đường ngập nước khiến chúng tôi phải chạy lòng vòng để tìm hướng đi, rồi tắc đường, ảnh hưởng đến giờ đi làm của người lớn và giờ học của trẻ con. Còn nếu mưa to diễn ra vào buổi tối hoặc đêm thì người dân lại không kịp trở tay, nhiều ô tô, xe máy hư hỏng do ngập nước.

Còn chị Trần Thị Thu, nhân viên một cửa hàng dịch vụ ăn uống ở đường Minh Cầu, chia sẻ: Chỉ 1-2 tiếng sau trận mưa lớn, gần như toàn bộ đường Minh Cầu sẽ ngập nước, chúng tôi phải tạm dừng kinh doanh. Ngoài ra, mỗi khi có ôtô, xe tải chạy qua sẽ tạo thành sóng nước ào vào nhà dân hai bên đường, gây hư hỏng đồ đạc, thiết bị điện tử.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, hệ thống thoát nước của TP. Thái Nguyên được chia thành 4 lưu vực, gồm: Suối Đồng Danh; suối Làng Đanh; suối Xương Rồng 2 và mương Cống Ngựa - đảm nhận vai trò thoát nước cho các phường trung tâm và một số tuyến đường chính. Tuy nhiên, do hệ thống cống, hố ga thoát nước, mương hở và phần hạ lưu cống ngầm không thường xuyên được nạo vét đã gây cản trở dòng chảy khi trời mưa to.

Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập do quy hoạch không đồng bộ. Nhiều công trình, dự án khu dân cư chưa đấu nối với hệ thống thoát nước, tạo ra nhiều điểm nghẽn. Đó chính là những nguyên nhân chính khiến tình trạng ngập úng trên địa bàn TP. Thái Nguyên diễn ra nhiều năm qua mà chưa được giải quyết triệt để.

(Còn nữa...)