Võ Nhai "phá thế" ba khó

Quỳnh Mai 08:10, 29/12/2022

Năm 2022, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt và sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương, huyện vùng cao Võ Nhai đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, kế hoạch năm. Chính sách giảm nghèo, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... đã phát huy hiệu quả, tạo nên những đổi thay tích cực trên vùng đất khó này.

Tuyến đường từ xã Cúc Đường đi xã Thần Sa được đầu tư 7,4 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp; đáp ứng mong mỏi của người dân địa phương.
Tuyến đường từ xã Cúc Đường đi xã Thần Sa (Võ Nhai) được đầu tư 7,4 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng mong mỏi của nhân dân địa phương. Ảnh: T.L

Trong một cuộc trò chuyện, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai Hà Thị Bích Hồng thông tin: Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên và cũng là địa phương có diện tích lớn nhất tỉnh (gần 84 nghìn ha). Tuy dân số ít nhất tỉnh (69.000 người) nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Võ Nhai lại chiếm tới trên 72%.

Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, ba thế khó của Võ Nhai đó là: Khó bởi địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt, diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm 13%, mật độ dân cư thưa thớt; khó trong công tác giảm nghèo, do tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao (trên 5.000 hộ, chiếm tới 28,82%); khó trong lĩnh vực thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bởi ngoài hai cụm công nghiệp Cây Bòng và Trúc Mai (Lâu Thượng) với 4 nhà máy thì huyện chưa thu hút được nhà đầu tư ở các lĩnh vực khác.

Ba khó - nói vậy cho dễ nhớ bởi Võ Nhai vẫn còn rất nhiều cái khó khác, như kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; rồi điện, trường, trạm... Hay phát triển kinh tế vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ... "Ba thế khó ấy, ai đã từng lên Võ Nhai mới hiểu." - đồng chí Bí thư Huyện ủy trầm ngâm.

Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”, Đảng bộ, chính quyền huyện Võ Nhai đã tìm ra thời cơ trong thách thức, từ những bất lợi để tìm ra lợi thế. Tận dụng lợi thế địa hình, khí hậu ôn hòa, Võ Nhai xác định thế mạnh là phát triển sản xuất nông nghiệp và du lịch. Như vậy, 2 đề án: Phát triển nông, lâm nghiệp và Phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được địa phương triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Ngày càng có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được hình thành ở huyện vùng cao Võ Nhai, giúp bà con nhân dân nâng cao thu nhập. Ảnh: T.L

Trong phát triển nông, lâm nghiệp, dù chỉ có 13% diện tích đất nông nghiệp, song những năm qua, Võ Nhai tập trung phát triển vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: na, bưởi, ổi... Hiện, địa phương đã có 1.672ha cây ăn quả, chủ yếu tập trung tại các xã La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá... (trong đó có 520ha cây ăn quả các loại được cấp chứng nhận VietGAP). Với 1.300ha chè, trên địa bàn huyện cũng đã hình thành vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ tiên tiến, mở rộng vùng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP lên 200ha, kết hợp với công nghệ sao sấy tiên tiến.

Đến nay, toàn huyện Võ Nhai có 8 sản phẩm nông nghiệp thế mạnh được chứng nhận OCOP, gồm: mỳ gạo Tiền Phong, na La Hiên, bún khô Tiến Diện, chè móc câu Tràng Xá.... Nhiều sản phẩm đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc như: ổi Phú Thượng, mật ong La Hiên, gạo Bao thai Dân Tiến, đậu phụ Bình Long...

Lĩnh vực chăn nuôi cũng được chú trọng. Ở một số xã đã hình thành vùng chăn nuôi tập trung với khoảng 30 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăn nuôi gia công theo chuỗi liên kết với các doanh nghiệp. Qua đó, đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm như ông Đặng Văn Thái, xã Liên Minh, với mô hình chăn nuôi bò 3B, trồng rừng, xưởng mộc; chị Lê Thị Du, xã Bình Long, với mô hình chăn nuôi lợn rừng...

Cùng với đó, Võ Nhai cũng đã xây dựng Cổng thông tin điện tử kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp, hướng tới liên kết sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tổ chức Chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên, góp phần quảng bá nông sản địa phương...

Đối với đề án về phát triển du lịch, Võ Nhai hiện có 82 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh với các điểm du lịch nổi tiếng như: di chỉ khảo cổ học Mái đá Ngườm, hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà (Phú Thượng), rừng Khuôn Mánh – nơi ra đời Đội Cứu quốc quân II, Di tích địa điểm lưu niệm Bác Hồ ở Làng Vang (Liên Minh), thác Mưa Rơi (Thần Sa)... cùng hệ sinh thái núi đá vôi đa dạng sinh học là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Hiện, huyện đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch các tỉnh và một số doanh nghiệp thực hiện khảo sát các tour du lịch tại địa phương và kết nối với các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, Võ Nhai đặc biệt chú trọng triển khai có hiệu quả 2 chương trình mục tiêu Quốc gia gồm: xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Hiện toàn huyện đã có 6/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng xã La Hiên đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Đồng thời địa phương cũng tích cực lồng ghép các chương trình, dự án của Chính phủ đối với các xã đặc biệt khó khăn trong thực hiện công tác giảm nghèo, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên so với năm 2022.

Vẫn đà câu chuyện "phá thế khó", Bí thư Huyện ủy Võ Nhai Hà Thị Bích Hồng cho biết: Năm 2022, thực hiện nhiệm vụ chính trị, Võ Nhai có 12/12 chỉ tiêu vượt kế hoạch, tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn huyện ước đạt 2.741, vượt 12,2% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,2% so với năm 2021, đạt 140% chỉ tiêu nghị quyết... Đây là kết quả từ sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân vùng cao Võ Nhai.

Từ nay đến năm 2025, huyện Võ Nhai tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; mở rộng diện tích chè, cây ăn quả; phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn... Qua đó, nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, sản xuất công nghiệp, chế biến nông lâm sản. Bên cạnh đó, huyện sẽ tranh thủ nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; khai thác và sử dụng tốt các nguồn vốn; đẩy nhanh tiến độ các nguồn vốn đầu tư xây dựng, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp...