Xã khó khăn nhất Phú Lương nỗ lực “về đích” nông thôn mới

Dương Hưng 07:26, 15/06/2023

Được đánh giá là địa phương khó khăn nhất của huyện Phú Lương, hiện nay, xã Yên Trạch mới đạt 10/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Vì vậy, nhằm hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2024, cả hệ thống chính trị của xã đang nỗ lực để không “lỗi hẹn”.

Huyện Phú Lương huy động các nguồn lực hỗ trợ xóa 21 nhà dộ nát tại xã Yên Trạch.
Huyện Phú Lương huy động các nguồn lực hỗ trợ xóa 21 nhà dột nát tại xã Yên Trạch.

Đến thời điển này, xã Yên Trạch là địa phương đạt chỉ tiêu xây dựng NTM thấp nhất huyện Phú Lương. Một số tiêu chí chưa đạt như: Giao thông; cơ sở vật chất văn hóa; nhà ở dân cư; nghèo đa chiều; môi trường và an toàn thực phẩm; quy hoạch… Nguyên nhân được xác định là do điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, phải đầu tư nhiều; xã ở xa trung tâm huyện; đời sống người dân còn nhiều khó khăn…Theo kế hoạch, xã Yên Trạch hoàn thành Chương trình xây dựng NTM vào năm 2024.

Đặc thù của địa phương là có tới 95% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Tày). Khi bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020, xã có hơn 50% số hộ nghèo.

Về hạ tầng giao thông, chỉ có tuyến đường từ Quốc lộ 3C vào trung tâm xã và đi xã Yên Ninh được thảm nhựa, còn lại các tuyến đường trục xóm, ngõ xóm hầu như chưa được đổ bê tông nên việc đi lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến thông thương hàng hóa nên xã chưa khai thác hiệu quả lợi thế về trồng rừng sản xuất để tăng thu nhập cho người dân... 

Từ năm 2020 đến nay, xã Yên Trạch tập trung thực hiện tiêu chí giao thông. Hiện, gần 15km đường trục xóm đã được đổ bê tông; còn hơn 3km, xã đang tập trung đổ bê tông tuyến từ trục đường Thẩm Vượng - Bản Héo, từ xóm Bài Kịnh đi xóm Na Hiên và đã thiết kế, phân bổ xi măng để đổ bê tông tuyến đường từ ngã ba xóm Na Mẩy đi xóm Khuân Cướm.

Ông Nguyễn Văn Biểu, Chủ tịch UBND xã Yên Trạch, chia sẻ: Một trong những tiêu chí khó hoàn thành nhất của địa phương là giảm nghèo đa chiều. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã còn 30,57%. Để hoàn thành tiêu chí này, trong năm 2023 và 2024, xã phải giảm được hộ nghèo, cận nghèo xuống còn 12%. Vì vậy, xã đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể và giao cho các thành viên UBND xã, trưởng các đoàn thể của xã, xóm xuống tìm hiểu hoàn cảnh từng hộ. Từ đó, xã đưa ra cách hỗ trợ “trúng, đúng”, như: Gia đình thiếu tư liệu sản xuất, xã đề xuất huyện hỗ trợ về con giống, phân bón; kết nối với một số cơ sở chế biến gỗ ở địa phương để giới thiệu việc làm cho lao động; gia đình có con học xong sẽ được tư vấn, hướng dẫn, giới thiệu việc làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Qua thống kê, rà soát của xã Yên Trạch, địa phương còn 21 nhà dột nát. Vì vậy, đầu năm 2023, huyện Phú Lương đã huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ. Qua đó, 18 ngôi nhà đã được xây dựng mới, còn lại 3 ngôi nhà chuẩn bị khởi công xây dựng. Như vậy, tiêu chí về nhà ở dân cư sẽ hoàn thành vào năm 2023.

Còn đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, các nhà văn hóa xóm đều có diện tích nhỏ hẹp, không đủ chỗ ngồi. Trong đó, 5 nhà văn hóa xóm phải xây mới và 5 nhà văn hóa xóm phải sửa chữa với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Hiện, xã Yên Trạch đã lập phương án và đề nghị huyện Phú Lương hỗ trợ…

Với sự vào cuộc tích cực của huyện Phú Lương và cả hệ thống chính trị địa phương, chúng tôi tin xã Yên Trạch (địa phương khó khăn nhất của huyện Phú Lương) sẽ “về đích” NTM theo kế hoạch đề ra.