Chất vấn và trả lời chất vấn: Thẳng thắn, đúng trọng tâm

Nhóm P.V (Thực hiện) 16:33, 20/07/2023

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIV, sáng 20-7, các đại biểu (ĐB) làm việc tại Hội trường để thực hiện giải trình một số nội dung; chất vấn và trả lời chất vấn. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và dân chủ, các ĐB đã đưa ra nhiều nội dung được cử tri quan tâm, phản ánh những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước (QLNN) trên nhiều lĩnh vực. 

Các đại biểu tham gia chất vấn một số nội dung tại Kỳ họp.
Các ĐB tham gia chất vấn một số nội dung.

Tránh đầu tư dàn trải trong nghiên cứu khoa học - công nghệ

ĐB Lê Thị Thu An (Tổ TP. Thái Nguyên) chất vấn về việc đề tài “Xây dựng hệ thống du lịch thông minh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên”, được hoàn thành và bàn giao cho Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, với tổng giá trị tài sản được xác định là gần 6,9 tỷ đồng, nhưng chưa được đưa vào sử dụng.

Trả lời ĐB Lê Thị Thu An, đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), cho biết: Hệ thống du lịch thông minh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được đưa vào vận hành thử nghiệm từ năm 2020, với địa chỉ http://dulichthongminhthainguyen.vn và thu hút nhiều lượt truy cập.

Để bàn giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể khai thác và sử dụng, hệ thống phải trải qua nhiều giai đoạn kiểm tra, rà soát lỗi, chạy thử… Do vậy, ngày 18-7 vừa qua, Sở KH-CN mới bàn giao chính thức. Việc bàn giao này không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến việc hoạt động liên tục của hệ thống trên môi trường mạng từ trước đến nay, đảm bảo tích hợp thông minh với phần mềm quản lý du lịch hiện có.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trả lời chất vấn tại Kỳ họp.
Đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, trả lời chất vấn.

Đánh giá kết quả thực hiện các đề tài KH-CN đã triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đặc biệt là việc "có cần thiết hay không phải triển khai nhiều đề tài về sưu tầm, bảo tồn, phát triển nguồn gen?" của ĐB Lê Văn Tâm (Tổ TP. Phổ Yên), đồng chí Phạm Quốc Chính khẳng định: Đây đều là những nguồn gen quý hiếm, đặc hữu, đặc dụng, có nguy cơ tuyệt chủng. Trên cơ sở sưu tầm, bảo tồn gen, các loại cây, con sẽ được nuôi trồng, nhân giống, phục vụ cho công tác phát triển nguồn gen, nghiên cứu khoa học, thương mại hóa nguồn gen sau này.

Ít nhiều các dự án đã góp phần đưa KH-CN, giống cây, con mới đến với bà con nhân dân. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh để có tổng hợp, đánh giá cụ thể giá trị cũng như kết quả đề tài, dự án KH-CN trên các lĩnh vực, đồng thời, làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đưa KH-CN đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm nông nghiệp

Tại phiên chất vấn, đồng chí Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã trả lời chất vấn của ĐB Lê Văn Tâm (Tổ TP. Phổ Yên) về 3 vấn đề, gồm: QLNN trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm nông sản và quy hoạch các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn trả lời chất vấn tại Kỳ họp.
Đồng chí Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trả lời chất vấn.

Về công tác QLNN trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ngành Nông nghiệp đã tập trung thực hiện một số giải pháp như quản lý tốt vật tư đầu vào để sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ và có 41 vùng trồng đã được hỗ trợ; hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở dán tem truy xuất nguồn gốc, quản lý mẫu mã, phát triển thương hiệu và kết nối thị trường trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, thực hiện các giải pháp phát triển vùng trồng tập trung; xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ… để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý truy xuất sản phẩm.

Đại biểu Lê Văn Tâm, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, nêu ý kiến vào một số nội dung giải trình của Sở Tài chính.
ĐB Lê Văn Tâm nêu ý kiến chất vấn.

Đối với việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm nông sản, hàng năm, ngành Nông nghiệp tiến hành thanh tra, kiểm tra khoảng 1.200 cơ sở kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kiểm tra khoảng 200 mẫu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cơ bản các mẫu cho kết quả nằm trong giới hạn cho phép. Ngoài ra, Ngành tăng cường tuyên truyền, tập huấn và khuyến khích việc thực hành nông nghiệp tốt; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng danh mục, liều lượng và thời gian cách ly.

Với việc quy hoạch các cơ sở chăn nuôi, hiện nay, các cơ sở chăn nuôi tập trung nhiều ở khu vực trung tâm và phía Nam tỉnh. Thực tế cho thấy, một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc về quy định khoảng cách, môi trường dẫn tới ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt ở khu dân cư.

Định hướng quy hoạch trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp đã tham mưu ban hành Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Trong đó định hướng chăn nuôi tại khu vực phía Bắc của tỉnh - nơi còn nhiều quỹ đất; đảm bảo nguyên tắc vừa phát triển chăn nuôi, vừa đảm bảo yêu cầu môi trường. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi vi phạm.

Các đại biểu tham gia chất vấn một số nội dung tại Kỳ họp.
ĐB Nguyễn Thị Quốc Hòa nêu ý kiến chất vấn.

Cũng liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, ĐB Nguyễn Thị Quốc Hòa (Tổ TP. Thái Nguyên) chất vấn việc thực hiện chính sách hỗ trợ ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép.

Về nội dung này, đồng chí Phạm Văn Sỹ nhấn mạnh: Ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; thống kê, lập danh sách và ký cam kết thực hiện đối với 583 hộ chăn nuôi quy mô nông hộ. Đến nay, đã có 90 hộ dừng hoạt động chăn nuôi, một số hộ giảm quy mô để dừng khi hết thời gian quy định; chưa có cơ sở đề nghị hỗ trợ chính sách chấm dứt hoặc di dời cơ sở chăn nuôi.

Quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội

ĐB Hoàng Trần Nam (Tổ huyện Đại Từ) nêu vấn đề: Hiện nay, tỉnh ta thu hút số lượng lớn công nhân, lao động từ nhiều tỉnh, thành phố khác đến sống và làm việc, nhu cầu về nhà ở xã hội tương đối nhiều. Định hướng và giải pháp nào để phát triển nhà ở xã hội của tỉnh?

Các đại biểu tham gia chất vấn một số nội dung tại Kỳ họp.
Các ĐB tham gia chất vấn một số nội dung.

Đồng chí Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng, trả lời: Thực hiện Đề án phát triển nhà ở xã hội của tỉnh đã được phê duyệt, hiện nay, Thái Nguyên đã quy hoạch 83 dự án, vị trí, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội với 267,7ha, đủ điều kiện xây dựng 35.000 căn, với diện tích trên 2.,45 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đáp ứng chỉ tiêu Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ.

Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp: ban hành cụ thể việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội theo từng năm và theo từng giai đoạn; trong quá trình triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu công nghiệp mới đến năm 2030 sẽ đồng thời quy hoạch quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, hình thành các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; bố trí cân đối ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm nhằm kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội...

Lãnh đạo Sở Xây dựng
Đồng chí Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng, trả lời chất vấn.

Siết chặt công tác thanh, kiểm tra về trật tự xây dựng

ĐB Nguyễn Trung Dũng (Tổ huyện Đại Từ) đặt câu hỏi: Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Sở Xây dựng với chức năng là cơ quan QLNN về lĩnh vực xây dựng đã thực hiện bao nhiêu cuộc thanh tra, kiểm tra về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh? Kết quả xử lý các vi phạm và giải pháp trong công tác quản lý xây dựng trong thời gian tới?

Theo đồng chí Hoàng Đức Khánh: Từ năm 2021 đến nay, Sở Xây dựng thực hiện 24 cuộc thanh, kiểm tra về trật tự xây dựng trên đại bàn tỉnh. Qua đó đã kịp thời xử lý các công trình vi phạm và thu, nộp ngân sách Nhà nước trên 510 triệu đồng.

Đối với cấp huyện, công tác thanh, kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự xây dựng được diễn ra khá thường xuyên và thu được nhiều kết quả đáng kể. Điển hình là một địa phương, đô thị lớn như TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công và TP. Phổ Yên...