Trước thực trạng khó khăn mà các doanh nghiệp (DN) gặp phải thời gian qua, lần đầu tiên, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri và đối thoại với DN, nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của các hiệp hội, hội và cộng đồng DN. Cuộc đối thoại diễn ra chiều 10-7 được đánh giá là thành công và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng DN, doanh nhân.
Theo ông Nguyễn Đình Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đại Dương, tại Hội nghị có 2/4 vấn đề của doanh nghiệp được lãnh đạo TP. Phổ Yên cho biết sẽ quan tâm giải quyết. Ảnh: Trường Sơn |
Mở đầu bài phát biểu với hơn 170 đại biểu đại diện cho các hội, hiệp hội và hơn 9.000 DN đang hoạt động của tỉnh, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, khẳng định: Sự đổi mới trong hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ, kiến tạo sự phát triển. Tỉnh Thái Nguyên sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng DN, để các nhà đầu tư yên tâm hoạt động, mở rộng sản xuất. Sự phát triển của tỉnh luôn gắn liền với sự phát triển và thành công của DN. Vì thế, các DN hãy chia sẻ những khó khăn từ nhỏ đến lớn, từ những bất cập, hạn chế của chính sách đến việc triển khai thực hiện chính sách, kể cả những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức (nếu có) để tỉnh có các biện pháp giải quyết thấu đáo nhất…
Đã có gần 10 lượt ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội trường với trên 20 nội dung đề xuất, kiến nghị. Ngoài ra còn có hơn 70 ý kiến đã được tổng hợp bằng văn bản gửi tới Thường trực HĐND tỉnh trước đó.
Theo đó, các vấn đề được nhiều DN quan tâm là: Những vướng mắc, bất cập trong thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh và từ yêu cầu thực tiễn phát triển. Các DN mong muốn tỉnh sớm điều chỉnh, sửa đổi một số cơ chế, chính sách, đồng thời xây dựng và ban hành những chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển các DN địa phương, nâng cao tỷ trọng so với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong đó, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội DN tỉnh, đề nghị tỉnh sớm ban hành Đề án hỗ trợ phát triển DN địa phương và xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế tư nhân.
Đối với nhóm vấn đề về môi trường đầu tư kinh doanh, một số ý kiến đề cập đến những bất cập trong hoạt động thanh, kiểm tra khi mà nhiều DN phải tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra trong năm. Điều này không đúng tinh thần Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, DN đề nghị tạm dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra từ nay đến hết năm 2024 để tập trung sản xuất, kinh doanh.
Tiếp đó là các vấn đề: Chậm giao đất cho các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 1/7/2014; việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng công trình có vốn ngân sách, vấn đề quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại mỗi địa phương; đề xuất đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở, nhất là lưới điện, đảm bảo điều kiện hoạt động của các DN…
Có thể nói, số lượng câu hỏi và nội dung đề cập của DN cần được giải quyết là rất lớn, song với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của các đồng chí chủ trì, phần lớn các ý kiến, phản ánh, đề xuất thuộc thẩm quyền của tỉnh đều đã được làm rõ ngay tại hội trường.
Đơn cử như lãnh đạo Thanh tra tỉnh đã tiếp thu các ý kiến đề xuất có liên quan để tiếp tục rà soát, đề xuất, điều chỉnh kế hoạch thanh tra trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, tạo thuận lợi nhất cho DN. Hay như việc thuê đất của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất và Thương mại Bình Din ở khu đất nằm xen kẽ giữa đường sắt Hà Nội - Lưu Xá và đường sắt Gang Thép không phù hợp với các quy định hiện hành, cũng được trả lời rõ ràng để DN nắm bắt.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Nguyên cũng đã làm rõ vì sao lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện vẫn ở mức cao, lãi suất cho vay không thể hạ ngay như việc điều chỉnh lãi suất huy động, bởi chính sách tiền tệ bao giờ cũng có độ trễ và dư địa để hạ lãi suất không còn nhiều.
Đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng đã giải thích việc đấu thầu dự án trên địa bàn tỉnh phải thực hiện công khai, công bằng theo luật, chứ không thể có chính sách ưu tiên cho DN trên địa bàn theo đề xuất của DN.
Đối với một số ý kiến như của ông Nguyễn Đình Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đại Dương, TP. Phổ Yên, liên quan đến thủ tục muốn cho thuê đất tại KCN Điềm Thụy và Sông Công 2, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tiếp thu và đề nghị Công ty có văn bản cụ thể. Trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh sẽ giải quyết, trả lời câu hỏi của DN.
Về đề xuất của đại diện Công ty TNHH Thái Hải mong muốn được tỉnh tổ chức Lễ công bố Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải là Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022, do Công ty không có điều kiện tổ chức, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết đồng ý về mặt chủ trương, sẽ quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành liên quan để việc công bố phù hợp, hiệu quả…
Với những kết quả đạt được bước đầu tại Hội nghi đối thoại, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, cho rằng: Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại như thế này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh DN đang gặp nhiều khó khăn. Cộng đồng DN mong muốn các ý kiến, kiến nghị sẽ được tiếp thu, giải quyết kịp thời và hy vọng đây sẽ trở thành hoạt động hàng năm của tỉnh.
Theo đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh: Sau Hội nghị, những vấn đề nào chưa được giải quyết sẽ được tổng hợp và tỉnh tiếp tục quan tâm bàn giải pháp tháo gỡ, giải quyết. Các vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, tỉnh sẽ tổng hợp để báo cáo và gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin