Thời gian qua, hệ thống lưới điện trên địa bàn TP. Sông Công đã được đầu tư, cải tạo và nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, ở một số khu vực vùng sâu, vùng xa của thành phố, chất lượng điện vẫn chưa đảm bảo, việc người dân sử dụng các cột bằng tre, gỗ để kéo đường điện từ sau công tơ đến hộ gia đình tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Vì bán kính cấp điện quá xa nên nhiều hộ dân ở xóm Tân Mỹ 1, xã Tân Quang, phải tự đầu tư lắp đặt đường dây từ sau công tơ đến địa điểm sử dụng, do đó chất lượng điện không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. |
Từ nhiều năm nay, gần 30 hộ dân ở khu vực Ao Khương và La Ác của xóm Tân Mỹ 1, xã Tân Quang, chỉ có thể sử dụng một số thiết bị điện thông thường, công suất thấp, bởi điện yếu.
Theo phản ánh của người dân, khu vực này cách xa trung tâm xóm, dân cư không tập trung, trong khi bán kính cấp điện quá dài, đường dây từ sau công tơ đến địa điểm sử dụng do nhân dân tự đầu tư nên chất lượng điện chưa đảm bảo.
Ông Dương Văn Thìn, người dân xóm Tân Mỹ 1, chia sẻ: Toàn bộ đường dây điện từ sau công tơ đến hộ gia đình đều do nhân dân tự bỏ tiền ra mua với kinh phí từ 2 - 4 triệu đồng tùy theo khoảng cách gần, xa. Cùng với đó, chúng tôi sử dụng cột tre, gỗ để chống dây điện cao 2,5-3m, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Trước đó, tình trạng điện yếu trong khung giờ cao điểm cũng xảy ra với khoảng 100 hộ dân tại xóm Chúc, xã Bá Xuyên. Theo ông Đồng Văn Lã, Trưởng xóm Chúc: Trạm biến áp được lắp đặt tại xóm Bãi Hát nên bán kính cấp điện đến xóm Chúc khá xa, khoảng 1,5km-2km.
Để khắc phục tình trạng trên, vừa qua, Điện lực thành phố đã thực hiện cân pha, san tải giữa trạm biến áp xóm Bãi Hát và xóm Chúc, chất lượng điện đã được cải thiện, song vẫn chưa thực sự ổn định.
Từ đầu mùa Hè đến nay, các hộ đã hạn chế sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt vì lo lắng điện yếu gây hỏng. Để sử dụng các thiết bị làm mát trong những ngày nắng nóng cao điểm, một số hộ có điều kiện đã mua thêm ổn áp để nguồn điện mạnh và ổn định hơn. Việc phải sử dụng nguồn điện chất lượng chưa đảm bảo trong thời gian dài khiến người dân gặp không ít khó khăn.
Ngoài ra, trên địa bàn TP. Sông Công vẫn còn một số nơi xảy ra tình trạng điện yếu, quá tải khiến đời sống, sinh hoạt của người dân gặp ít nhiều khó khăn, như: Khu vực xóm Linh Sơn 2, Na Vùng, Tân Sơn, xã Bình Sơn; tổ dân phố Hương Sơn, phường Châu Sơn; tổ dân phố Xuân Miếu, phường Cải Đan; tổ dân phố Bến Vượng, phường Thắng Lợi... Phần lớn các khu vực này nằm cách xa trạm biến áp, tập trung đông dân cư, trong khi hệ thống đường điện được đầu tư từ lâu đã xuống cấp.
Ông Dương Văn Hợp, Giám đốc Điện lực TP. Sông Công, thông tin: Thời gian qua, Điện lực thành phố đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống đường dây, trạm biến áp để có kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, thay tế các đường dây không đảm bảo. Tại xóm Tân Mỹ 1, đơn vị đã khảo sát và đăng ký vào danh mục chống quá tải năm 2025 xây dựng thêm 1 trạm biến áp tại khu vực này. Riêng tại xóm Bãi Hát và xóm Chúc, Điện lực thành phố đã đăng ký và được phê duyệt nguồn vốn xây dựng mới 1 trạm biến áp chống quá tải, 1 lộ xuất tuyến cấp điện vào khu vực Nhà văn hóa xóm Chúc và 2 lộ xuất tuyến ra phía bãi Soi, thời gian thực hiện trong quý II năm 2024.
Điện lực Sông Công đang quản lý, vận hành 289 trạm biến áp, trên 200km đường dây trung thế và trên 300km đường dây hạ thế, với hơn 23.600 khách hàng. Nhằm cung ứng điện ổn định, an toàn, đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, Điện lực thành phố đã hoàn thành việc thay thế 2,4km đường dây trung thế khu vực phường Phố Cò; thay thế 5,6km đường dây hạ thế khu vực các xã, phường: Bình Sơn, Bách Quang, Châu Sơn, Thắng Lợi, với tổng mức đầu tư 5,4 tỷ đồng. Nâng công suất 1 máy biến áp từ 320kVA lên 630kVA cho trạm biến áp La Đình, phường Bách Quang, sau đó hoán chuyển nâng công suất nội bộ 3 máy biến áp cấp điện cho xã Tân Quang và phường Bách Quang…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin