Đúng 7 giờ 30 phút sáng 19-7, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, khai mạc trọng thể tại Hội trường trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh.
Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, được tổ chức tại Hội trường trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh. |
Dự Kỳ họp, về phía Trung ương có đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương của tỉnh.
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng 2 đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành Kỳ họp.
Sau phần thông qua dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp, chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, có bài phát biểu khai mạc Kỳ họp.
Trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 13, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: 2023 là năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm, Thái Nguyên đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; sự giám sát của HĐND tỉnh; sự điều hành tập trung, quyết liệt của UBND tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự đồng thuận, cố gắng của các tầng lớp Nhân dân, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đã đạt được một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra cho thời gian tới đòi hỏi tỉnh phải nỗ lực phấn đấu vượt bậc hơn nữa, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tạo thế và lực đưa Thái Nguyên phát triển ổn định, bền vững hơn.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh, các đại biểu tham dự Kỳ họp, trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn, khách quan tham gia thảo luận, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến đối với từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau qua báo cáo thẩm tra của các ban. Từ đó, để HĐND tỉnh xác định những chủ trương, quyết định đúng, sát tình hình thực tiễn, phát huy hiệu quả nguồn lực trong đầu tư, các chính sách được đi vào cuộc sống và được triển khai đồng bộ, đáp ứng niềm tin, sự mong đợi của cử tri… (Chi tiết bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh tại đây)
Từ 7h50 - 8h16: Trình chiếu bằng hình ảnh Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Theo báo cáo: Hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Thái Nguyên vẫn nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tích cực, với một số chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn mức bình quân chung cả nước, an sinh xã hội được đảm bảo.
Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,17%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 404.900 tỷ đồng, tăng 3,9%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 8.102 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022...
Nhằm phát huy những kết quả đạt được trong 6 tháng qua, đồng thời khắc phục một số hạn chế, tồn tại, trong những tháng cuối năm, tỉnh Thái Nguyên tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như: tăng cường phân tích, dự báo, chủ động đưa ra các giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tiễn từng ngành, lĩnh vực, địa phương; triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, khoáng sản; tiếp tục triển khai các chương trình, dự án quan trọng của tỉnh (như: Dự án tuyến đường liên kết vùng, một số tuyến thuộc đường Vành đai 5, Dự án Sân vận động tỉnh...).
Từ 8h17: Đồng chí Đỗ Đức Công, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, trình bày Báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong 6 tháng đầu năm, HĐND tỉnh đã triển khai thực hiện các nội dung công việc đảm bảo theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao. Các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Chất lượng hoạt động giám sát, khảo sát, thẩm tra của HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh ngày càng được nâng lên. Những kiến nghị sau giám sát đã được UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị nghiêm túc tiếp thu và triển khai thực hiện... Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Tại Kỳ họp thứ 13, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, thực hiện "kỳ họp không giấy tờ". |
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 được HĐND tỉnh đề ra, đó là: Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp thường lệ và các kỳ họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất (nếu có) của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026; chỉ đạo việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ HĐND bầu tại Kỳ họp thường lệ cuối năm đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, khách quan. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát, khảo sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh; thực hiện công tác tiếp công dân theo Quy chế; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.
Từ 8h26: Đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, trình bày Thông báo hoạt động của Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2023.
Đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thái Hanh trình bày Thông báo hoạt động của Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên. |
Trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tập trung bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh đến chính quyền các cấp.
Theo đó, Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức 62 hội nghị tiếp xúc cử tri, với gần 5.400 lượt cử tri tham dự, 236 ý kiến, kiến nghị; phối hợp tổ chức 69 hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng cấp với Nhân dân, ghi nhận 798 ý kiến, kiến nghị…
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên còn thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động; phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh.
Từ 8h35: Đồng chí Lê Văn Tâm, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày Tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh về việc đề nghị thông qua Chương trình giám sát năm 2024 của HĐND tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, nội dung dung giám sát bao gồm: Giám sát tại các kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm 2024, giám sát chuyên đề.
Đối với nội dung giám sát tại các kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận về các báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh; xem xét báo cáo kết quả thẩm tra và công tác của các ban HĐND tỉnh, các báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; xem xét báo cáo của UBND tỉnh; báo cáo về việc thực thi pháp luật trong một số lĩnh vực theo quy định của pháp luật và các báo cáo theo đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh; xem xét trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thủ trưởng các cơ quan của UBND tỉnh.
Nội dung giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025.
Từ 8h46: Đồng chí Hà Văn Dương, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trình bày 3 tờ trình.
- Tờ trình về việc thông qua dự kiến Kế hoạch đầu tư công tỉnh Thái Nguyên năm 2024.
Theo đó, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư công do cấp tỉnh quản lý trong năm 2024 là 4.625,27 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương 2.038,34 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 2.586,93 tỷ đồng.
Về nguyên tắc phân bổ: Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương thì phân bổ hết số vốn còn lại của kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo nhu cầu, tiến độ thực hiện dự án.
Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương thì thứ tự phân bổ theo nguyên tắc, phân bổ 100% vốn đầu tư công cho các dự án hoàn thành quyết toán; phân bổ vốn đối ứng cho các dự án ODA, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án do bộ, ngành Trung ương phê duyệt; ưu tiên cho các dự án quan trọng, trọng điểm của tỉnh.
Với 3 chương trình mục tiêu Quốc gia thì phân bổ theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức đã được HĐND tỉnh thông qua và hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản.
- Tờ trình về việc quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện 14 dự án do cấp tỉnh quản lý. Trong đó, có 1 dự án do chủ đầu tư và nhà thầu chậm hoàn thành hồ sơ quyết toán dẫn đến vượt thời gian bố trí vốn theo quy định; 3 dự án do Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, giai đoạn 2014-2020, thực hiện từ nguồn vốn ứng trước tiền thuê đất có cơ sở hạ tầng trả nộp 1 lần và một phần từ nguồn ngân sách Nhà nước ứng tạm; 6 dự án đang hoàn thành, đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục quyết toán; 4 dự án chuyển tiếp, đang điều chỉnh dự án.
Đối với cấp huyện quản lý, có 190 dự án. Nguyên nhân do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên một số dự án triển khai không đúng thời gian so với quyết định phê duyệt; chủ đầu tư, nhà thầu chậm hoàn thiện hồ sơ quyết toán; khả năng cân đối ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn…
- Tờ trình quy định mức chi hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025.
Theo đó, đối tượng áp dụng của quy định là các tổ chức kinh tế tập thể gồm: hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có trụ sở chính tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Lao động trẻ có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Điều kiện hỗ trợ đối với lao động phải có chuyên môn phù hợp với phương án sản xuất - kinh doanh của tổ chức kinh tế tập thể có nhu cầu sử dụng; không quá 35 tuổi, cam kết công tác tối thiểu 3 năm tại tổ chức kinh tế tập thể. Ưu tiên cán bộ kỹ thuật, kế toán, có kinh nghiệm về kinh tế tập thể, người có nhiều bằng đại học, sau đại học… Ngoài mức lương do tổ chức kinh tế tập thể chi trả cho người lao động, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hằng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng; tối đa 3 năm/người và tối đa 2 người/tổ chức kinh tế tập thể/năm.
Từ 9h: Đồng chí Phạm Việt Đức, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, trình bày Tờ trình quy định chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa và hỗ trợ học phí đối với trẻ em nhà trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý.
Theo nội dung Tờ trình, đối tượng áp dụng chính sách là trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi, đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý.
Theo đó, hỗ trợ tiền ăn trưa cho các cháu thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em không có người nuôi dưỡng; trẻ em có cha (mẹ) hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú tại thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trẻ em là con của liệt sĩ, con thương binh, con của người hưởng chính sách thương binh, con bệnh binh và con của một số đối tượng được hưởng chính sách khác theo quy định của Nhà nước; trẻ em khuyết tật học hòa nhập.
Mức hỗ trợ là 160 nghìn đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ theo tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Về hỗ trợ học phí, thực hiện hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em nhà trẻ thuộc diện hộ nghèo, trẻ khuyết tật học hòa nhập và trẻ không có nguồn nuôi dưỡng; hỗ trợ 70% học phí cho trẻ em nhà trẻ là người dân tộc thiểu số sống ở thôn/xóm đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ 50% học phí cho trẻ em nhà trẻ là đối tượng thuộc hộ cận nghèo, là con của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên. Thời gian hỗ trợ tính theo tháng học, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Vào lúc 9h05: Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phát biểu chỉ đạo Kỳ họp.
Phát biểu với các đại biểu tham dự Kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Kỳ họp thứ 13, của HĐND tỉnh được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng. Các cấp, ngành đang triển khai thực hiện sơ kết giữa nhiệm kỳ, nhằm đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, kịp thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2023 và của cả nhiệm kỳ…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải đánh giá, HĐND tỉnh đã bám sát các chủ trương của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy để kịp thời thể chế hóa, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp ngày càng được nâng lên; công tác chuẩn bị cho kỳ họp được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định; hoạt động giám sát, khảo sát, thẩm tra và tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới... tạo được sự tin tưởng, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.
Tuy nhiên, theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, việc nắm tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân có lúc, có việc, có nơi chưa sâu sát, kịp thời...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải cũng nêu một số nội dung có tính định hướng, gợi mở, đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh tập trung thảo luận, xem xét, quyết định, gồm: thảo luận, thống nhất nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm và năm 2023; thảo luận, xem xét kỹ lưỡng các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp; ngay sau kỳ họp, HĐND, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, cử tri và Nhân dân về chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 13, nhất là các nghị quyết HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp; phát động các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và huy động tham gia tích cực, hiệu quả của đông đảo cán bộ, đảng viên, cử tri và Nhân dân, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra...
Lúc 9h35: Sau phần phát biểu đáp từ của đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu nghỉ giải lao.
Từ 9h50: Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Nga, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIV.
Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Nga trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 13. |
Để chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIV, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức 52 hội nghị để đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc với 5.364 cử tri; tiếp nhận 236 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp 55 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh và 8 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri tâp trung vào một số vấn đề: Tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư bị ảnh hưởng do hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản; quan tâm, xem xét nâng mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; sớm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo một số tuyến đường giao thông, di tích lịch sử đã xuống cấp…
Từ 10h07: Đồng chí Trần Văn Hậu, Ủy viên UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, trình bày Báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIV.
Căn cứ Báo cáo số 160/BC-HĐND ngày 5/12/2022 của HĐND tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIV, UBND tỉnh đã giao thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, đơn vị tham mưu giải quyết ý kiến của cử tri.
Đồng chí Trần Văn Hậu trình bày Báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIV. |
Theo đó, các ý kiến, kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh trả lời phân theo từng địa phương cụ thể. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng phân loại những ý kiến cử tri kiến nghị nhiều lần qua các kỳ họp để tổng hợp trả lời thành nhóm vấn đề.
Trong số các nội dung trả lời, có một số ý kiến, kiến nghị đáng chú ý, đã được các cơ quan trả lời như: Cử tri phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) đề nghị tỉnh chỉ đạo Công ty CP Hải Đăng đẩy nhanh hoàn thiện các hạng mục của Dự án khu dân cư đồi Yên Ngựa, hoàn trả 768m2 đất để tổ dân phố số 1 xây dựng nhà văn hóa; cử tri xã Bảo Lý (Phú Bình) phản ánh hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, tái chế bông vải sợi, nhựa tại Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện tự nguyện tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) gây ô nhiễm môi trường; cử tri thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) kiến nghị lắp gờ giảm tốc, biển báo hiệu, sửa chữa mặt đường, sửa chữa rãnh thoát nước dọc Quốc lộ 3 trên địa bàn thị trấn để bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông…
Từ 10h16: Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 10; các ý kiến, kiến nghị tại Nghị quyết số 84/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của HĐND tỉnh được trình chiếu bằng hình ảnh.
Trước và sau Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIV, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp 85 ý kiến, kiến nghị và chuyển đến UBND tỉnh 60 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh. Tại Nghị quyết số 84/NQ-HĐND ngày 08/12/2022, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh xem xét, giải quyết 34 ý kiến, kiến nghị của cử tri đang giải quyết.
Qua giám sát cho thấy, UBND tỉnh đã tiếp thu, giải quyết và trả lời 100% các ý kiến, kiến nghị của cử tri; nhiều nội dung trả lời đầy đủ, ngắn gọn, trọng tâm, có phương án, lộ trình giải quyết cụ thể; một số ý kiến, kiến nghị của cử tri kéo dài qua các kỳ họp đã được tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm, được cử tri đồng tình, đánh giá cao…
Trong 98 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, nhóm ý kiến, kiến nghị đã giải quyết xong chiếm tỷ lệ 25%; 32% ý kiến, kiến nghị đang trong quá trình giải quyết; các ý kiến, kiến nghị còn lại đã xem xét, giải trình, thông tin với cử tri…
Vào lúc 10h35: Kỳ họp HĐND tỉnh thực hiện quy trình công tác cán bộ - bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đối với đồng chí Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.
Đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trình bày báo cáo về thực hiện quy trình công tác cán bộ. |
Trước đó, thực hiện Thông báo số 1731-TB-TU ngày 7/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ, ngày 10/4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 779/QĐ-UBND về việc điều động và bổ nhiệm đồng chí Phan Đức Cường, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh giữ chức vụ Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.
Tại Kỳ họp, với kết quả 100% đại biểu có mặt bỏ phiếu đồng ý, đồng chí Phan Đức Cường đã được bầu làm Ủy viên UBND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Phiên khai mạc cũng đã thông qua Nghị quyết về nội dung này.
Theo chương trình Kỳ họp, buổi chiều 19-7, các đại biểu tiếp tục làm việc tại Hội trường để nghe một số báo cáo, tờ trình. Sau đó, đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin