3,2% là mức tăng trưởng dư nợ tính đến cuối tháng 7-2023 so với cuối năm 2022 của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Trong khi mục tiêu tăng trưởng cả năm của tỉnh đặt ra là 12%, do đó rất khó để có thể hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, nếu những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và tỉnh sớm mang lại hiệu quả thì nhiều khả năng dư nợ tín dụng có thể tăng cao trong quý IV/2023.
8 tháng qua, phần lớn các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều có mức tăng trưởng dư nợ tín dụng thấp. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Hội sở Agribank Chi nhánh Nam Thái Nguyên. |
Từ thực tế cho thấy, việc tăng trưởng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm nay đối diện với nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 7, mức tăng chỉ đạt 3,2% - thấp hơn so với mức tăng trưởng toàn ngành và giảm nhiều so với tháng trước (cuối tháng 6 tăng 3,36%).
Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu.
Cùng chung nhận định trên, ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên, chia sẻ: Trong khi quý I/2023, tăng trưởng của Chi nhánh là 4,1%, thì đến hết quý II chỉ còn là 2,8%, cuối tháng 7 tiếp tục giảm còn 1,14%, đến ngày 10-8 còn âm 0,1%. Đối với những khách hàng chúng tôi muốn tăng trưởng thì lại ít hoặc không có nhu cầu, còn những khách hàng có nhu cầu vay vốn thì phần nhiều lại không đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng. Chính vì thế, mục tiêu tăng trưởng 9% trong năm nay của Chi nhánh là rất khó đạt được.
Có thể nói, hàng chục năm nay, chưa năm nào tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng nói chung, BIDV Thái Nguyên nói riêng lại khó khăn đến vậy.
Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc BIDV Chi nhánh Thái Nguyên
Tuy nhiên, Giám đốc BIDV Thái Nguyên vẫn hy vọng và cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động tín dụng cho doanh nghiệp (DN) nói riêng, nền kinh tế nói chung, cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh trong giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết khó khăn cho DN… thì rất có thể, sang quý IV/2023, hoạt động của các DN sẽ khởi sắc trở lại và nhu cầu về vốn sẽ tăng cao. Ông Quý cho hay: Hiện tại, Chi nhánh vẫn tiếp tục chú trọng phát triển tín dụng một cách an toàn, thận trọng.
Cùng với BIDV Thái Nguyên, thời gian qua, phần lớn các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn trong tăng trưởng dư nợ. Mặc dù các đơn vị này đều rất nỗ lực tìm khách hàng tốt, dự án tốt, cũng như bám sát hoạt động của DN để tư vấn, hỗ trợ kịp thời đối với những nhu cầu tín dụng hợp lý, nhằm tăng trưởng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, trong tổng số 27 ngân hàng TMCP trong nước, có tới 9 ngân hàng rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Trong đó, một số ngân hàng âm tới hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank) Chi nhánh Thái Nguyên là một trong những đơn vị nằm trong “số ít”, với mức tăng trưởng xấp xỉ 11%. Dù vậy, việc ngăn ngừa rủi ro khi cho vay cũng luôn là một trong những ưu tiên trong hoạt động của đơn vị này.
Để tăng trưởng đi đôi với đảm bảo an toàn, chất lượng tín dụng, Vietinbank Thái Nguyên đã chú trọng nhận diện, cảnh báo sớm rủi ro; bám sát tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, việc sử dụng vốn của khách hàng, đánh giá lại tài sản đảm bảo; kiểm soát chặt chẽ chất lượng nợ, đề ra biện pháp hỗ trợ khách hàng khó khăn tạm thời (hỗ trợ về lãi suất, cơ cấu nợ) hoặc rút giảm dư nợ và tiến tới chấm dứt quan hệ với khách hàng yếu kém…
Từ đầu năm đến nay, nhu cầu vay vốn của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sắt thép đều không cao. |
Theo ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Vietinbank Thái Nguyên: Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng đi đôi với tăng tính chọn lọc. Chúng tôi tập trung cho vay những ngành, lĩnh vực ổn định, phát triển như: hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng, thực phẩm, dược phẩm, thương mại phân phối, ngành công nghiệp hỗ trợ…
Cùng với đó, Vietinbank Thái Nguyên tiếp tục chuyển dịch cơ cấu dư nợ sang cho vay khách hàng cá nhân, nâng tỷ trọng cho vay có tài sản đảm bảo; áp dụng các chương trình ưu đãi lãi suất, các gói tín dụng (như: đồng hành với khách hàng DN; gói ưu đãi thúc đẩy khách hàng DN xuất nhập khẩu năm 2023; gói ưu đãi cho khách hàng DN vừa và nhỏ mới,…) và các gói tài khoản ưu đãi về phí dịch vụ để hỗ trợ khách hàng, đồng thời thu hút khách hàng mới. Dự báo, mức tăng dư nợ những tháng cuối năm của Chi nhánh sẽ tiếp tục duy trì, hướng tới đạt mục tiêu tăng 14-15% so với cuối năm 2022 của Chi nhánh.
Có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, ngân hàng là một trong những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp và nặng nề. Trước thực tế này, một mặt, các ngân hàng đều đưa ra các giải pháp để hỗ trợ, đồng hành với khách hàng. Mặt khác, tăng cường nhận diện rủi ro, thận trọng hơn trong việc thẩm định cho vay, nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh...
Chính vì thế, việc tiếp cận vốn vay của nhiều DN trở nên khó khăn. Do đó cần sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả DN và các ngân hàng trong việc cho vay, cũng như thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng khác. Cùng với đó là các giải pháp đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh và tháo gỡ khó khăn, giúp các DN có điều kiện hoạt động ổn định trở lại. Từ đó giúp gia tăng nhu cầu tín dụng trong những tháng cuối năm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin