Trước những diễn biến phức tạp về cháy nổ, nhất là vụ cháy chung cư mini xảy ra mới đây tại quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã triển khai những giải pháp quyết liệt nhằm phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh hướng dẫn, khắc phục tồn tại về PCCC tại Hợp tác xã May công nghiệp Tân Bình Minh (TP. Phổ Yên). |
Tổng rà soát, kiểm tra
Ngay sau khi có chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các công điện của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác PCCC. Đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức Hội nghị triển khai tổng kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, tài nguyên môi trường, PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, nơi tập trung đông người, chung cư, chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người đông trên địa bàn. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các huyện, thành phố, một số ngành liên quan và công an của tất cả 177 xã, phường, thị trấn.
Theo đó, UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành cấp tỉnh và tại các huyện, thành phố; nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC; thành lập, kiện toàn, duy trì đội PCCC cơ sở, phân công trách nhiệm trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; các quy định về thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC; khoảng cách an toàn về PCCC, giải pháp cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan và các điều kiện thoát nạn; thực tập phương án chữa cháy, nguồn nước chữa cháy, thông tin liên lạc tại cơ sở; an toàn PCCC hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và các điều kiện, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, cấp phép đầu tư xây dựng, nghiệm thu công trình; việc thực hiện, khắc phục tồn tại, vi phạm về PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã được cơ quan cảnh sát PCCC kiến nghị.
Tại Hội nghị, đại diện Công an tỉnh nhấn mạnh ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng về việc mở đợt kiểm tra các kho hàng, nhà xưởng về điều kiện an toàn PCCC; chủ tịch UBND cấp huyện, xã, cơ sở phân cấp quản lý về PCCC chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định nếu để xảy ra sai phạm.
Khắc phục ngay hạn chế, thiếu sót
Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác PCCC trên địa bàn thời gian qua được triển khai nghiêm túc; ý thức, trách nhiệm về công tác PCCC của nhân dân được nâng lên; tình hình cháy, nổ, tai nạn, sự cố được kiềm chế, không để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Lực lượng Công an hướng dẫn người dân cắt khung sắt để mở lối thoát nạn thứ 2 tại nhà cao tầng. |
Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu được Chính phủ và Bộ Công an giao thực hiện còn chậm, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Cụ thể như, công tác tuyên truyền, vận động mỗi hộ trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy mới chỉ đạt 34,1% (các địa phương đạt dưới 20% là Định Hóa, Đại Từ, Phú Bình và Võ Nhai); xây dựng, duy trì mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng có nơi còn mang tính hình thức, chưa đúng hướng dẫn; một số nơi còn hiện tượng “khoán trắng” cho công an cấp xã trong thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới...
Do vậy, cần tiếp tục tuyên truyền, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để tạo sức lan tỏa; đặt mục tiêu trước ngày 30/9/2023 có tối thiểu 50% số hộ tự trang bị bình chữa cháy xách tay và đạt 100% trước ngày 31/12/2023.
Thực tế công tác cấp phép, quản lý xây dựng gắn với PCCC cũng còn một số bất cập. Ông Nguyễn Văn Tuệ, Phó Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên, thông tin: Trên địa bàn có tình trạng cấp phép xây dựng nhà ở nhưng khi hoàn thành lại chuyển đổi sang kinh doanh hoặc nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; xây dựng sai so với hồ sơ cấp phép. Điểm vướng mắc, hạn chế nữa là khi cấp phép xây dựng cho căn hộ riêng lẻ nhưng không có nội dung về PCCC; quá trình kiểm tra trật tự xây dựng chỉ đo lường được về vị trí, diện tích, chiều cao nhưng không đánh giá chi tiết thiết kế PCCC.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên, cho rằng: Số lượng công trình được cấp phép xây dựng trên địa bàn mỗi năm rất lớn, trong khi lực lượng đảm bảo trật tự xây dựng còn hạn chế, khó giám sát hết được việc thực hiện các yêu cầu PCCC.
Ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, đề xuất: Cần xử lý nghiêm, không cấp điện sản xuất cho những hộ, cơ sở sản xuất vi phạm về đất đai, an toàn PCCC…
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đợt này, UBND tỉnh yêu cầu các đoàn kiểm tra kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót, nguy cơ mất an toàn về PCCC; đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định và giải pháp cho phù hợp với thực tế. Đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép đối với cơ sở không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về PCCC.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin