Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là loại vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần ngăn chặn dịch hại, bảo vệ cây trồng. Tuy nhiên hiện nay, đa phần nông dân trong tỉnh sử dụng thuốc BVTV chưa đúng cách, không theo khuyến cáo về nồng độ và liều lượng. Điều này không chỉ gây lãng phí thuốc mà còn tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và chất lượng nông sản.
Với tâm lý muốn diệt trừ sâu bệnh nhanh nên đa phần người dân thường tăng liều lượng hoặc phối trộn nhiều loại thuốc trong cùng một bình phun mà không theo khuyến cáo của nhà sản xuất (ảnh minh họa). |
Với 4 sào ruộng, trung bình mỗi vụ lúa, gia đình bà Lương Thị Hà, ở xóm Quyên, xã Phú Xuyên (Đại Từ), phun 5-7 lần thuốc BVTV mới đến kỳ thu hoạch. Bà Hà chia sẻ: Sau khi làm đất xong, tôi phun thuốc trừ cỏ rồi mới cấy lúa. Cấy xong được 1 tuần, tôi lại phun thuốc diệt trừ ốc bươu vàng. Sau đó, tùy từng giai đoạn lúa đẻ nhánh, đứng cái, trỗ, chắc xanh... mà bị nhiễm các loại sâu bệnh khác nhau, như: Sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu... chúng tôi lại phun thuốc. Để “chắc ăn”, tôi thường tăng liều lượng sử dụng thuốc và nếu thấy cây lúa không khỏi bệnh sẽ trộn thêm nhiều loại thuốc khác.
Không chỉ trên cây lúa, đối với các loại cây trồng khác, như: Rau, hoa, cây ăn quả… trong quá trình chăm sóc, nếu phát hiện có dấu hiệu sâu bệnh là bà con tiến hành phun phòng, trừ. Đáng nói, việc người dân có tuân thủ đúng thời gian cách ly để đảm bảo chất lượng nông sản hay không là điều mà người tiêu dùng băn khoăn.
Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường cộng với việc bà con đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, thay đổi cơ cấu giống cây trồng nên có những mùa vụ, tình hình sâu bệnh khá phức tạp.
Thực tế, khi cây trồng xuất hiện các loại sâu, dịch bệnh ở mật độ nhẹ, bà con có thể sử dụng các biện pháp thủ công, hoặc các loại thuốc dòng sinh học để phòng trừ, bảo vệ môi trường. Vậy nhưng, với tâm lý muốn diệt trừ sâu bệnh nhanh nên đa phần người dân thường tăng liều lượng, hoặc phối trộn nhiều loại thuốc trong cùng một bình phun mà không theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Chính điều này khiến sâu bệnh bùng phát mạnh dù đã sử dụng thuốc BVTV nhiều lần.
Ngoài ra, việc bà con sử dụng thuốc BVTV không tuân thủ đúng thời gian cách ly cũng ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và sức khỏe người tiêu dùng.
Thái Nguyên là địa phương có lợi thế về sản xuất nông nghiệp; diện tích gieo trồng cây nông nghiệp hàng năm của toàn tỉnh là hơn 109 nghìn héc ta, trong đó, cây lúa hơn 67,7 nghìn héc ta, cây rau màu hơn 15 nghìn héc ta...
Trung bình mỗi năm, bà con nông dân trong tỉnh sử dụng hàng chục tấn thuốc BVTV các loại. Ðể hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo về cách thức sử dụng thuốc BVTV đúng cách cho hàng nghìn lượt người tham gia, theo nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách.
Cùng với đó, ngành chức năng cũng lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thuốc BVTV thông qua hoạt động thanh, kiểm tra chuyên ngành.
Trung bình mỗi năm, các đơn vị chuyên môn của ngành Nông nghiệp tiến hành thanh, kiểm tra hàng trăm cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, xử phạt nhiều cơ sở vi phạm trong kinh doanh thuốc BVTV.
Cùng với đó, cơ quan chức năng đã buộc các cơ sở áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, thu hồi, trả lại nhà sản xuất hoặc nhà phân phối, buộc tiêu hủy loại thuốc không trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.
Việc sử dụng thuốc BVTV không đúng kỹ thuật dẫn đến lãng phí vật tư, tăng chi phí đầu vào, giảm hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Ðể hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, về lâu dài, tỉnh cần có thêm chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp an toàn theo quy trình VietGAP, hữu cơ; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích bà con sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc thế hệ mới để hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin