Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, TP. Thái Nguyên luôn nỗ lực để xứng đáng là trung tâm hành chính của tỉnh, đô thị vệ tinh vùng trung du miền núi phía Bắc. Nhân dịp kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập TP. Thái Nguyên (19/10/1962 - 19/10/2023), phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn đồng chí Dương Văn Lượng, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên, về quá trình thực hiện mục tiêu lớn này.
Diện mạo đô thị trên địa bàn TP. Thái Nguyên ngày càng khang trang, hiện đại. |
P.V: Xin đồng chí cho biết kết quả đạt được trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng TP. Thái Nguyên trở thành đô thị trung tâm vùng thời gian vừa qua?
Đ.c Dương Văn Lượng: Để hoàn thành mục tiêu “Xây dựng TP. Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững theo hướng văn minh, hiện đại”, Đảng bộ thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đột phá. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ quy hoạch, phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đô thị dựa trên nền tảng thương mại, dịch vụ; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, các ngành tạo ra giá trị gia tăng cao, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố.
Thành phố cũng ưu tiên phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Cùng với đó, xây dựng thành phố thông minh với các nội dung phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Công trình cầu Huống Thượng với tổng mức đầu tư trên 466 tỷ đồng, có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh, được đưa vào sử dụng trong tháng 10-2023. |
Kết quả, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại với nhiều công trình trọng điểm, mang tính chiến lược, liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với sức hấp dẫn từ môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, thành phố hiện dẫn đầu các địa phương trong tỉnh với gần 100 dự án, đạt tổng mức đầu tư trên 200 nghìn tỷ đồng.
TP. Thái Nguyên cũng được đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển mạng lưới giao thông nội thị, giao thông liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh, tạo cơ hội phát triển, trở thành đô thị có khả năng liên kết rộng lớn giữa vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay luôn đạt mức cao, bình quân đạt 13%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ, thương mại đạt 14,1%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội bảo đảm...
Công trình nút giao khác cốt đường Thống Nhất và đường Việt Bắc (TP. Thái Nguyên). |
P.V: Trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị trung tâm vùng, thành phố quan tâm chỉ đạo, triển khai các dự án, công trình trọng điểm tạo diện mạo mới cho đô thị hiện đại như thế nào, thưa đồng chí?
Đ.c Dương Văn Lượng: Xác định các dự án lớn, trọng điểm là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới để TP. Thái Nguyên xứng tầm đô thị trung tâm vùng, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, kiểm tra việc thực hiện các dự án, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc do nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư, nhà thầu, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành và chỉ đạo triển khai hiệu quả Chỉ thị về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Thái Nguyên”, tạo sự đồng thuận cao trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án theo quy định.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Thái Nguyên có 16 dự án, công trình nằm trong danh mục các công trình, dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025, trong đó có một số công trình tạo điểm nhấn, như: Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên; Dự án xây dựng cầu Quang Vinh 1, cầu Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối phường Đồng Bẩm, phường Quang Vinh và xã Cao Ngạn; Dự án xây dựng nút giao khác cốt đường Thống Nhất và đường Việt Bắc; Dự án cầu vượt đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên; Dự án Trung tâm thương mại Go! Thái Nguyên…
Khu đô thị Danko City (TP. Thái Nguyên). |
Các công trình, dự án trọng điểm được triển khai góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị của thành phố, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời làm thay đổi căn bản, toàn diện diện mạo thành phố, xứng đáng với vị thế đầu tàu kinh tế của tỉnh cũng như trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc.
P.V: Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đảng bộ thành phố đề ra nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đ.c Dương Văn Lượng: Về mục tiêu đến năm 2030, TP. Thái Nguyên trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là một trong những trung tâm kinh tế, chuyển đổi số, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, thể thao, du lịch, là đầu tàu phát triển của vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Tập trung phát triển kinh tế: Đẩy mạnh thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; khuyến khích, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đô thị thông minh; đẩy nhanh tiến độ lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch.
TP. Thái Nguyên quan tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu quốc gia, quốc tế đối với sản phẩm nông nghiệp chủ đạo - chè Tân Cương. |
Về văn hóa - xã hội: Tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đi đôi với phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung tăng tốc về đích các mục tiêu, nhiệm vụ trong chương trình chuyển đổi số, tạo đà xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của thành phố.
Về quốc phòng - an ninh: Lãnh đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chú trọng kết hợp quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh kinh tế trong tình hình mới.
Về công tác xây dựng Đảng - xây dựng hệ thống chính trị, tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Tin tưởng rằng, với truyền thống 61 năm xây dựng và phát triển, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân TP. Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của Đảng bộ, đoàn kết nhất trí, nỗ lực khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ thành phố và Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin