Với trên 130 nghìn hộ dân và hơn 380 nghìn nhân khẩu (tập trung ở 110 xã), đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 30% dân số của tỉnh. Nhằm hỗ trợ bà con vươn lên, thời gian qua, tỉnh đã triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình).
Hơn 100 hộ người dân tộc Mông, Dao... ở xóm Khe Mong, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) được Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình. |
Với 10 dự án và 14 tiểu dự án, Chương trình nhiều ý nghĩa này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân miền núi, vùng cao, vùng DTTS. Theo ông Hoàng Phong, Phó Ban Dân tộc tỉnh: Các dự án, tiểu dự án đang triển khai nhiều phần việc quan trọng, như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống cho bà con.
Đồng thời, phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe người dân vùng khó và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em… Việc triển khai Chương trình đã và đang góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn lực vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.
Để các dự án, tiểu dự án triển khai hiệu quả, hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân. Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo động lực và sức bật cho phát triển kinh tế vùng khó.
Từ những chủ trương và giải pháp đúng đắn, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả khả quan. Như với Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tỉnh đã giải ngân vốn vay làm nhà ở cho 214 hộ dân, tổng kinh phí trên 8,5 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 513 hộ dân, kinh phí trên 400 triệu đồng; đầu tư xây dựng 12 công trình nước sinh hoạt tập trung, kinh phí trên 12,2 tỷ đồng...
Song song với đó, việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị được quan tâm thực hiện tại các huyện Võ Nhai, Phú Lương và Định Hóa, với 13 chuỗi đang xây dựng hồ sơ liên kết. Thông qua Dự án phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực, gần 3 năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, với 9 công trình đã và đang được thi công.
Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch cũng đạt được thành quả tích cực khi đã hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại Định Hóa...
Có thể thấy, chỉ sau hơn nửa chặng đường triển khai Chương trình, Thái Nguyên đã hoàn thành được khá nhiều phần việc quan trọng. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân của bà con DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; bình quân giảm 2% số hộ nghèo/năm; giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS; giảm 50% số thôn, xóm ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; đồng thời, duy trì ít nhất 8% học sinh DTTS được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, hoàn thiện cơ sở vật chất các trường nội trú, bán trú của tỉnh…, thì Thái Nguyên còn phải nỗ lực rất nhiều.
Do đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chú trọng lồng ghép có hiệu quả các dự án, tiểu dự án của Chương trình, gắn với các dự án, chính sách hỗ trợ khác của Trung ương, của tỉnh tại các vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, xây dựng và áp dụng các cơ chế thu hút, tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng xã hội, các đoàn thể và tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính một cách hiệu quả…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin