Khó xử lý vi phạm hành chính về đất đai, vì sao?

Dương Hưng 07:34, 29/11/2023

Thời gian qua, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng ở một số địa phương vẫn còn vi phạm, như: Sử dụng đất không đúng mục đích, hủy hoại đất, sử dụng đất không đúng quy hoạch…

Ngôi nhà của gia đình ông Mã Văn Thịnh (ở xóm Thái Sơn 2, xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên) bị chính quyền yêu cầu tháo dỡ từ lâu, nhưng đến nay vẫn tồn tại.
Ngôi nhà của gia đình ông Mã Văn Thịnh (ở xóm Thái Sơn 2, xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên) bị chính quyền yêu cầu tháo dỡ từ lâu, nhưng đến nay vẫn tồn tại.

Mặc dù đã bị UBND xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên) lập biên bản vì xây nhà trên 2 thửa đất, phần lớn là đất nông nghiệp, từ tháng 4/2022, nhưng đến nay gia đình ông Mã Văn Thịnh vẫn chưa tháo dỡ công trình vi phạm.

Đây chỉ là một trong hàng chục trường hợp vi phạm hành chính về đất đai bị địa phương phát hiện, xử phạt hành chính, nhưng người vi phạm mới chấp hành một phần quyết định xử phạt.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh phát hiện hơn 300 vụ vi phạm hành chính về đất đai. Trong đó chủ yếu là tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, như xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và hủy hoại đất. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các huyện, thành trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường: Nguyên nhân dẫn đến vi phạm về đất đai là do nhu cầu thực tế về nhà ở, kinh doanh gia tăng nhưng chưa có nhiều quỹ đất để đáp ứng nên một số tổ chức, cá nhân tự ý xây dựng. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, xây dựng vẫn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa kịp thời; một số quy định về chuyển mục đích sử dụng đất chưa phù hợp với tình hình thực tế cũng dẫn đến vi phạm về đất đai. Ngoài ra, một số tồn tại trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng trước đây chưa được xử lý dứt điểm…

Ông Bùi Thanh Sơn, Trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Võ Nhai, chia sẻ: Trên địa bàn, số hộ chưa thực hiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn khá nhiều. Nhiều gia đình, khi con ra ở riêng thì chia đất, làm nhà nhưng cũng không thực hiện chuyển đổi sang thổ cư. Những năm qua, địa phương căn cứ vào các quy định của Luật Đất đai, các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vận động các hộ đã làm nhà trên đất nông nghiệp (làm nhà cách đây gần 20 năm) hoàn thiện hồ sơ để chuyển đổi đất ở. Đến nay đã có hàng trăm hộ xây nhà trên đất nông nghiệp được chuyển đổi sang thổ cư. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ chưa thực hiện…

Ông Triệu Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh (Phú Lương), cho biết: Địa phương có lợi thế về kinh tế rừng nên trên địa bàn có 20 hộ mở xưởng cưa và 3 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó có hơn 10 cơ sở vi phạm về đất đai. Địa phương đã lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu trả lại hiện trạng đất. Tuy nhiên, việc tháo dỡ công trình vi phạm khó vì liên quan đến thẩm quyền và thiệt hại kinh tế rất lớn cho người dân. Nhiều khi người dân muốn khắc phục bằng cách đề nghị xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng mất rất nhiều thời gian và phải phụ thuộc và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Theo quy định của pháp luật, tất cả các trường hợp vi phạm về đất đai khi bị phát hiện đều phải xử lý, tùy theo mức độ vi phạm để đề xuất cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có rất nhiều trường hợp chưa chấp hành đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Vì vậy, trong khi chờ chính sách, pháp luật về đất đai tiếp tục được hoàn chỉnh, các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là chính quyền cơ sở cần quyết liệt hơn trong công tác này.