Tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV, sáng 8-12, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng.
Báo Thái Nguyên điện tử trân trọng đăng tải lược ghi bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng phát biểu tại Kỳ họp HĐND tỉnh. |
...Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết số 41 ngày 11/12/2020 của HĐND về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường.
Trên cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, trong năm 2023, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã phát huy sức mạnh đoàn kết, tập trung trí tuệ tập thể, bám sát tình hình thực tiễn, cho ý kiến vào nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, định hướng phát triển cho cả nhiệm kỳ.
Phát huy vai trò là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng trung du miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11 ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị, mặc dù trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, việc duy trì được đà tăng trưởng dương của tỉnh Thái Nguyên ở mức trên 5% thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
So với tình hình chung của cả nước thì đây là con số tích cực, là kết quả đáng ghi nhận cho quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, rào cản để phát triển KT-XH của tỉnh Thái Nguyên ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.
Để đạt được những kết quả tích cực về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ một cách quyết liệt, thực chất, hiệu quả.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả đáng ghi nhận về phát triển KT-XH trong năm 2023, trong đó có một số kết quả nổi bật như sau:
- Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 57,8% (năm 2020) lên 58,3% (năm 2023); khu vực dịch vụ tăng từ 30,9% (năm 2020) lên 31,8% (năm 2023); khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 9,9% (năm 2023).
- Mặc dù tình hình sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng bằng các giải pháp, biện pháp chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của UBND tỉnh, kết quả thu ngân sách năm 2023 của tỉnh vẫn có thể hoàn thành kế hoạch đề ra, với số thu ngân sách cả năm ước đạt 20.000 tỷ đồng, bằng 102,2% so với dự toán được Quốc hội, Chính phủ giao, bằng 100% dự toán HĐND tỉnh giao.
Khu công nghiệp Điềm Thụy thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Ảnh: L.K |
- Ngành thương mại, dịch vụ phục hồi và tăng trưởng tốt, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 67,4 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 27,1 tỷ USD, đóng góp vào tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 3,5%/năm, liên tục giữ vững vị trí đứng thứ 4 cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh).
- Về sản xuất công nghiệp: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2023 đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất xuất công nghiệp trên cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực thường xuyên, kịp thời của các cấp, ngành, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy sản xuất, nên giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt hơn 972,7 nghìn tỷ đồng, gấp 1,24 lần so với năm 2020, tăng 5,13% so với cùng kỳ; cao hơn mức tăng trung bình của cả nước.
- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục được duy trì và phát triển, tăng 4,04% so với cùng kỳ và đang được chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp sạch, sản xuất theo quy mô trang trại lớn.
Về thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển: Trong gần 3 năm thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 đạt 171,3 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm thu hút được 57,1 nghìn tỷ đồng, tăng gần 17% so với bình quân giai đoạn 2016-2020.
Về kết cấu hạ tầng xã hội: Bên cạnh các dự án hạ tầng giao thông, các dự án hạ tầng xã hội quy mô lớn trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan đang được tập trung triển khai, vừa phục vụ tốt hoạt động của chính quyền và người dân, vừa tạo điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan đô thị, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng cho nhiều ngành nghề quan trọng của tỉnh (như sắt, thép, xi măng, gạch ngói, đá, cát sỏi…).
Cầu Huống Thượng bắc qua sông Cầu, nối từ phường Túc Duyên sang xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) mới được hoàn thành. Ảnh: N.N |
Về phát triển hệ thống đô thị: Các huyện, thành phố đang tập trung lập, điều chỉnh các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện... bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hệ thống các khu đô thị, khu dân cư, điểm dân cư mới được đầu tư với kết cấu hạ tầng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
- Công tác thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đặc biệt coi trọng. Trong 11 tháng năm 2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt trên 5,5 nghìn tỷ đồng, bằng 70,5% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao.
- Về thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách trong nước: Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 103 dự án ngoài ngân sách trong nước, với tổng số vốn đăng ký đạt 34 nghìn tỷ đồng. Đến nay, tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 868 dự án, với số vốn đăng ký khoảng 163 nghìn tỷ đồng.
- Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Tỉnh Thái Nguyên tiếp tục là một điểm sáng trong thu hút vốn FDI. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 93 lượt dự án với tổng số vốn hơn 2 tỷ USD. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 201 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng mức đầu tư đạt 10,6 tỷ USD.
- Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và có nhiều khởi sắc. Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM; 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 2 huyện đạt chuẩn NTM (Định Hóa và Đại Từ); nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 118/126 xã (đạt tỷ lệ 93,65%), 6/9 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 66,67%).
Làm đường bê tông nông thôn ở xã Tân Dương (Định Hóa). Ảnh: T.L |
- Công tác cải cách hành chính được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc so với năm 2021); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2022 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 9 bậc so với năm 2021); chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2022 tỉnh Thái Nguyên xếp vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố.
- Chương trình chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột: Kinh tế số, Chính quyền số, Xã hội số. Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện.
- Các chính sách xã hội được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng, chương trình giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ, chính sách. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2023 giảm bình quân hơn 1%/năm; đến nay tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) trên địa bàn tỉnh còn 3,35%.
- Trong năm 2023, các hoạt động văn hóa, thể thao được tăng cường và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
- Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững, ổn định. Lực lượng quân đội, công an chủ động phối hợp, tăng cường quản lý địa bàn, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh trật tự; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu, các sự kiện quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn.
Trung tâm điều hành camera giám sát an ninh trật tự đặt tại trụ sở Công an huyện Phú Lương được kết nối với gần 400 camera lắp đặt ở các xã, thị trấn trên địa bàn. Ảnh: T.L |
- Các hoạt động ngoại giao và đối ngoại nhân dân được triển khai tích cực. Tổ chức thành công các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đi làm việc, xúc tiến đầu tư, hợp tác đối ngoại với các quốc gia. Đồng thời, duy trì việc tăng cường vận động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO), góp phần tích cực phát triển KT-XH của tỉnh...
Năm 2024 được dự báo là rất khó khăn trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của thế giới, khu vực và trong nước, cũng là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo, tôi xin nhấn mạnh một số nội dung nhiệm vụ cụ thể cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện:
- Một là: Tiếp tục quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh bảo đảm chất lượng, có kết quả cụ thể. Trong đó tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển KT-XH tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025.
- Hai là: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển mạnh mẽ. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp với ngoại lực là quan trọng, cần thiết, đột phá, thường xuyên. Bám sát tình hình thực tiễn của tỉnh để thích ứng linh hoạt, phản ứng kịp thời, tranh thủ thời cơ, vận hội mới để phát triển KT-XH.
- Ba là: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chấn chỉnh việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
- Bốn là: Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS).
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi, phát triển KT-XH; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh và cả Vùng trung du miền núi Bắc Bộ.
- Năm là: Tiếp tục cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế phù hợp với tiềm năng phát triển của tỉnh:
+ Về công nghiệp: Tập trung thu hút các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, hydrogen xanh; dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung.
+ Về nông nghiệp: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường.
+ Về thương mại, dịch vụ: Phát triển nhanh, đa dạng, chất lượng và bền vững các loại hình dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, tương xứng với lợi thế của tỉnh. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thương mại, dịch vụ trên địa bàn; tạo động lực phát triển ngành dịch vụ trở thành trụ cột dẫn dắt tăng trưởng cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay và lâu dài.
- Sáu là: Thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh...
(*) Tiêu đề do Tòa soạn đặt
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin