Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực để vượt qua khó khăn, thử thách do dịch bệnh, suy thoái kinh tế... Đây là cơ sở để Thái Nguyên từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng địa phương sung túc, hạnh phúc, trở thành một trong những trung tâm giáo dục, y tế và công nghiệp hiện đại của đất nước.
Công tác quy hoạch của tỉnh đã được đầu tư xứng tầm. |
Quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo
Để hoàn thành toàn diện mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã tập trung cụ thể hóa 5 định hướng phát triển thành 12 chương trình, 32 đề án, 21 kế hoạch. Đáng chú ý là Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phát triển nông - lâm nghiệp - thủy sản, xây dựng nông thôn mới; các đề án cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; xây dựng các khu, cụm công nghiệp; triển khai những công trình giao thông trọng điểm mang tính chiến lược...
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành 9 nghị quyết, 21 chỉ thị, 1.299 kết luận, trên 3.600 thông báo, công văn các loại để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Từ những nội dung đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, hằng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lựa chọn chủ đề công tác để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực, quyết tâm thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động nắm bắt, kịp thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh.
Có chỉ tiêu đã về đích
Xác định chuyển đổi số là "chìa khóa" để phát triển bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Thái Nguyên đã đạt nhiều thành tựu trong chuyển đổi số. |
Với quyết tâm chính trị cao, sau khi Nghị quyết số 01-NQ/TU được ban hành và triển khai thực hiện, từ vị trí 44 của cả nước, Thái Nguyên đã vươn lên vị trí 12 (năm 2021) và thứ 8/63 tỉnh, thành (năm 2022) về chuyển đổi số; đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố về kết quả cải cách hành chính (PAR INDEX) và đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).
Hay như sự đúng đắn từ chủ trương đến cụ thể hóa hành động, sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, thị xã Phổ Yên đã được nâng cấp lên thành phố vào năm 2022, về đích trước 3 năm so với kế hoạch, trở thành hình mẫu mới trong phát triển đô thị, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống người dân…
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, gắn với nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI. Lũy kế tới nay, toàn tỉnh có 201 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 10,58 tỷ USD và 868 dự án vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn 162,7 nghìn tỷ đồng.
Đoàn kết, ổn định để phát triển
Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết, hợp tác giữa Thái Nguyên với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, hiệu lực, hiệu quả...
Những kết quả này tiếp tục nhân lên niềm tin, tạo ra khí thế, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025, đưa Thái Nguyên phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Các địa phương tích cực xây dựng nông thôn mới. |
Để sớm hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó tăng cường công tác quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát huy tối đa vai trò là hạt nhân phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là một cực phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.
Thái Nguyên cũng tập trung phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với kinh tế; quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đặc biệt, tỉnh quan tâm Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh... Xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh giàu có và phồn thịnh như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin