Hết tháng 9, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh mới đạt 87.310 tỷ đồng, tăng 5,37% so với cuối năm 2022, thì đến cuối tháng 11, con số này đã là 91.507 tỷ đồng, tăng 10,43%. Theo dự báo của ngành Ngân hàng, đến hết năm 2023, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh sẽ đạt khoảng 12% so với cuối năm 2022, đảm bảo kế hoạch UBND tỉnh giao. Tuy nhiên, vẫn còn không ít nỗi lo xung quanh việc tăng, giảm dư nợ cho vay hiện nay.
Thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều gói hỗ trợ lãi suất nhằm khuyến khích nhu cầu vay vốn tín dụng của khách hàng (ảnh mang tính chất minh họa). |
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, chia sẻ: Năm 2023, UBND tỉnh có kế hoạch tăng trưởng tín dụng đạt 12%, huy động vốn tăng 10% so với cuối năm 2022, còn toàn ngành Ngân hàng (NH) phấn đấu tăng 14%. Đây được cho là mức tăng cần thiết để thúc đẩy kinh tế phát triển, cũng như đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế, chính trị thế giới nên trong 3 quý vừa qua của năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng đạt thấp. Bước sang quý IV, một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu tăng trưởng trở lại nên nhu cầu về vốn đã có những tín hiệu tích cực. Chỉ trong 2 tháng, số tăng đã đạt xấp xỉ của cả 9 tháng trước đó cộng lại. Thậm chí có NH, phải đến tận tháng 12, dư nợ mới thực sự chuyển biến.
Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Thái Nguyên - Chi nhánh hiện có dư nợ cho vay lớn nhất tỉnh, cho biết: Trong khi tính đến cuối tháng 11, dư nợ cho vay của Chi nhánh mới đạt 15.649 tỷ đồng, tăng 457 tỷ đồng (tương đương tăng 3%) so với cuối năm 2022, thì trong 15 ngày đầu tháng 12 đã tăng lên 16.106 tỷ đồng (tương đương tăng 6%) và dự kiến đến cuối tháng 12-2023 sẽ đạt 16.400-16.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10%). Theo kế hoạch từ đầu năm, năm nay, Chi nhánh tăng dư nợ cho vay khoảng 9%, nên với một số khoản vay lớn chúng tôi đang phải “phanh” lại để sang tháng 1-2024 mới giải ngân.
Lý giải về thị trường tín dụng có dấu hiệu ấm lên vào thời điểm cuối năm, đại diện lãnh đạo BIDV Thái Nguyên cho rằng do thị trường bất động sản và sắt thép bắt đầu tốt lên. Cùng với đó, nhu cầu về vốn để tích trữ hàng hóa dịp cuối năm tăng lên.
Khoảng 1 tháng gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh sắt thép trên địa bàn tỉnh có nhu cầu nhập hàng tích trữ với số lượng lớn nên nhu cầu về vốn tăng cao. |
Chị Nguyễn Thị Liên, kế toán trưởng một doanh nghiệp (DN) kinh doanh sắt thép trên địa bàn phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) cho biết: Suốt nhiều tháng liền, giá sắt thép được điều chỉnh giảm hoặc giữ ở mức ổn định nên các DN hầu như không để hàng tồn kho, mà bán đến đâu nhập đến đó. Tuy nhiên, sau khi Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và một số thương hiệu thép khác điều chỉnh giá tăng từ 150-250 đồng/kg (từ ngày 17/11/2023) thì các DN kinh doanh sắt thép đã ồ ạt nhập vào để tích trữ do lo ngại giá có thể tăng tiếp, khiến việc lấy hàng trở nên khó khăn. Có mặt hàng DN đặt cả tuần vẫn chưa được đáp ứng.
Được biết so với trước, lượng hàng bán ra của DN nơi chị Liên làm việc tính từ giữa tháng 11 đến nay tăng khoảng 50%. Chính vì thế, thời gian này, DN thường xuyên sử dụng hết hạn mức tín dụng được NH cấp. Về lượng hàng bán ra chủ yếu là cho các đại lý cấp dưới và cũng để tích trữ, còn nhu cầu thật của người dân và các DN xây dựng hầu như không tăng.
Ông Nguyễn Thanh Hà, ở tổ 12, phường Quang Trung, chủ 3 cửa hàng quần áo, giày dép, kính mắt trên đường Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên) thì chia sẻ: Nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm thường tăng mạnh, nên tôi đã thế chấp với NH một mảnh đất mới mua để vay thêm 1 tỷ đồng nhập hàng tích trữ. So với 2 năm trước, năm nay, lượng hàng gia đình tôi nhập về tăng khoảng 10%. Tôi cho rằng, do dịch COVID-19 không còn làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân nên nhu cầu mua sắm chắc chắn sẽ tăng. Hơn nữa, do trong năm, nhiều người đã chắt bóp chi tiêu nên có khả năng sẽ sắm sửa nhiều hơn vào dịp này… Điều đó sẽ thúc đầy nhu cầu tiêu dùng tăng lên.
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực, song nền kinh tế trong nước hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, có thể sẽ kéo dài đến hết quý II/2024. Bởi thế, chưa năm nào như năm nay, mặc dù lãi suất được duy trì ở mức tương đối thấp suốt nhiều tháng liền, kể cả đến giữa tháng 12 - thời điểm theo thông lệ nhu cầu vốn sẽ tăng cao, thì nhiều NH vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất ở cả 2 chiều nhằm thúc đẩy việc cho vay.
Hiện nay, lãi suất huy động cao nhất phổ biến của các NH chỉ là 5,5%/năm, giảm 3-4%/năm so với cuối năm 2022; lãi suất cho vay xung quanh mức 7-9%/năm kỳ ngắn hạn, giảm từ 2,5-3%/năm. Một số NH thậm chí phải dùng cả biện pháp kỹ thuật, triển khai các gói tín dụng với mức lãi suất rất thấp (chỉ từ 4-5%/năm) đối với một số khách hàng nhằm hoàn thành kế hoạch được giao. Đây đang là thời điểm mà cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay thấp nhất trong vài chục năm trở lại đây của ngành NH. Theo nhận định của đại diện lãnh đạo nhiều NH, rất khó để có thể hạ thêm lãi suất huy động và cho vay trong thời gian tới...
Tính đến cuối tháng 11-2023, trong tổng số 29 NH TMCP trong nước và chi nhánh NH nước ngoài, có 21 NH có mức tăng trưởng dương, còn lại là tăng trưởng âm. Theo đó, có 5 NH có số tăng dư nợ trên 1.000 tỷ đồng. 5 NH có dư nợ tăng từ 500 đến dưới 1.000 tỷ đồng. Trong 7 NH TMCP có mức tăng trưởng âm, có 1 NH giảm dư nợ lên tới trên 3.200 tỷ đồng, đã tác động đáng kể đến số tăng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong năm 2023; 6 NH còn lại giảm từ vài chục đến trên vài trăm tỷ đồng. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin