Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ nhiều năm nay đã trở thành một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường đầu tư. Chính vì thế, việc nâng cao chỉ số này ngày càng được các cấp, ngành, địa phương của tỉnh quan tâm. Sự điều hành của chính quyền tỉnh cũng vì thế có những chuyển biến tích cực.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh trả lời những phản ánh, kiến nghị của đại diện doanh nghiệp tại Hội nghị tiếp xúc cử tri và đối thoại với doanh nghiệp do Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh phối hợp tổ chức tháng 7-2023. |
Nỗ lực cải thiện
Đồng chí Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo PCI tỉnh, chia sẻ: Trong những năm qua, mặc dù điểm số PCI của tỉnh có sự thay đổi, song Thái Nguyên luôn nằm trong tốp các địa phương được đánh giá có chất lượng điều hành tốt. Cũng nhờ đó ngày càng có nhiều nhà đầu tư tìm đến Thái Nguyên, giúp "bức tranh" kinh tế - xã hội ngày một khởi sắc.
Đã có nhiều giải pháp được tỉnh tích cực triển khai nhằm cải thiện chỉ số này. Trong đó đáng chú ý là từ năm 2022, tỉnh bắt đầu cho thực hiện khảo sát, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ngành, địa phương (DDCI) của năm 2021, nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong thực thi công vụ của các cơ quan, đơn vị. Từ đó tác động tích cực trở lại đối với PCI.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) và các sở, ngành: Từ khi triển khai DDCI, các sở, ngành, địa phương đều trở thành đối tượng để DN, hợp tác xã chấm điểm. Điều này buộc mỗi đơn vị phải nỗ lực thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ; tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh. Đơn vị, địa phương nào bị điểm thấp đều phải rốt ráo triển khai các giải pháp nhằm cải thiện. Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã nói: UBND tỉnh sẽ xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương nếu để 2 năm liên tục đứng ở vị trí cuối bảng đánh giá DDCI.
Ngay cả các đơn vị nằm trong tốp cao, thậm chí dẫn đầu cũng phải luôn có các giải pháp nhằm duy trì vị trí nếu không muốn bị tụt hạng. Tất cả đã và đang tạo thành phong trào thi đua, từ đó giúp việc triển khai nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương nói riêng, toàn tỉnh nói chung, trở nên hiệu quả.
Cán bộ Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đến doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng bộ giải pháp tiếp thị trực tuyến. |
Nhiều thay đổi tích cực
Cũng theo đồng chí Nguyễn Trọng Hiếu: Đã có nhiều thay đổi trong xử lý công việc của cán bộ, công chức các sở, ngành, địa phương. Đơn cử như tại Sở KH-ĐT. Hằng ngày, Sở đều cho rà soát các nội dung cần phải xử lý, việc nào cần sẽ làm sớm, làm ngay, không để quá hạn. Tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của từng công chức trong đơn vị cũng được nâng cao hơn.
Trở lại với kết quả PCI năm 2022, Thái Nguyên xếp thứ 25/63 tỉnh, thành trong cả nước, với tổng 66,10 điểm, tăng 3 bậc (tăng 1,29 điểm) so với năm 2021. Trong đó có 5/10 chỉ số thành phần tăng điểm; 5/10 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2021. Ngay sau khi chỉ số này được công bố, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCI tỉnh đã tổ chức hội nghị rà soát, đánh giá chi tiết các nội dung liên quan đến 10 chỉ số thành phần PCI và giao nhiệm vụ cho các sở, ngành phân tích, làm rõ các chỉ số thấp và giảm điểm; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy các chỉ số tăng điểm, khắc phục và nâng điểm các chỉ số còn yếu kém.
Đặc biệt, tại các phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh, PCI thường là một trong những vấn đề được quan tâm nhằm nâng cao điểm số, thứ hạng và trung bình mỗi tháng, UBND tỉnh lại có 1 văn bản chỉ đạo liên quan đến nội dung này.
Các sở, ngành, địa phương cũng đã ban hành và triển khai kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PCI và DDCI. Đơn cử như Sở Công Thương có Kế hoạch số 2488/KH-SCT ngày 10/8/2023 cải thiện, nâng cao chỉ số DDCI, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, đơn vị trực thuộc. Đáng chú ý, đối với chỉ số vai trò người đứng đầu, Sở công khai đường dây nóng để tiếp nhận và phản hồi quá trình giải quyết kiến nghị của người dân, DN, góp phần tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền với người dân, DN.
Tại nhiều cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thay vì đợi DN tìm đến trình bày, đề xuất tháo gỡ, các sở, ngành cần chủ động tìm hiểu để giúp họ tháo gỡ. DN phát triển thì tỉnh phát triển.
Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đang được khẩn trương thi công, sẽ góp phần quan trọng giúp tỉnh nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. |
Tiếng nói từ doanh nghiệp
Từ tinh thần chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm, việc tổ chức đối thoại với DN vì thế đã có rất nhiều thay đổi. Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Thái Nguyên, cho hay: Thay vì trước đây nhiều sở, ngành làm cho có, làm để báo cáo, thì nay đều đã làm thực sự, làm để cải thiện. Sau những chỉ đạo của tỉnh, lần đầu tiên, một số sở, ngành đã chủ động phối hợp với Hiệp hội DN thành phố tổ chức đối thoại với DN. Qua đối thoại, nhiều vấn đề DN đưa ra đã được trả lời và cam kết thực hiện...
Theo đó, trong năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức được 4 lớp đào tạo miễn phí về an toàn, vệ sinh lao động cho DN; Sở KH-ĐT tổ chức 15 lớp đào tạo miễn phí về khởi sự kinh doanh và quản trị DN cho các DN nhỏ và vừa của 9 huyện, thành và Hội Nữ doanh nhân tỉnh; Sở Công Thương tích cực hỗ trợ DN tham gia các hội chợ, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Cục Thuế tỉnh cam kết rút ngắn thời gian các cuộc thanh, kiểm tra... Những điều này khiến DN cảm thấy yên tâm hơn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh: Với sự quyết tâm vào cuộc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng tinh thần “sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm về mình” của từng sở, ban, ngành, địa phương trong việc cải thiện từng chỉ số thành phần PCI và DDCI, chắc chắn môi trường đầu tư kinh doanh của Thái Nguyên sẽ thay đổi căn bản và thực chất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin