Thời gian qua, mặc dù công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn huyện Phú Bình đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện, tuy nhiên, nhiều chỉ số CCHC của huyện vẫn còn đạt thấp. Trước thực tế này, huyện đã thẳng thắn chỉ rõ hạn chế và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa chỉ số CCHC trên địa bàn.
Theo ông Dương Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện: Năm 2020, chỉ số CCHC của huyện Phú Bình xếp thứ 9/9 huyện, thành phố, thị xã; đạt 62,89 điểm theo thang điểm 100 về đánh giá, xếp hạng chỉ số CCHC của UBND tỉnh. Các lĩnh vực đạt điểm thấp gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC (đạt 4,29/9 điểm); hiện đại hóa hành chính (đạt 9,58/18 điểm); cải cách thủ tục hành chính (đạt 8,5/14 điểm); phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương (đạt 10,57/16 điểm); cải cách tài chính công (đạt 5/8 điểm); cải cách tổ chức, bộ máy hành chính (đạt 10,23/12 điểm); cải cách thể chế (đạt 7,7/9 điểm)…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm số đạt thấp trong các lĩnh vực nhưng chủ yếu là do không bố trí đủ kinh phí thực hiện CCHC; việc niêm yết thủ tục hành chính ở một số xã, thị trấn chưa đảm bảo quy định; thời gian ký số không khớp với ngày ban hành kế hoạch; tài liệu kiểm chứng không phù hợp; bộ phận “một cửa” (BPMC) ở một số xã chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều hồ sơ tiếp nhận giải quyết chưa cập nhật kịp thời vào hệ thống “một cửa” điện tử; không thống kê số lượng văn bản ký số; văn phòng sử dụng chữ ký số, chữ ký cá nhân chưa thường xuyên…
Là đơn vị hành chính nằm ở trung tâm huyện, hằng ngày, BPMC thị trấn Hương Sơn tiếp nhận hàng chục lượt công dân đến làm các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, diện tích phòng làm việc của BPMC của thị trấn chỉ có 60m2 nên có những ngày không đảm bảo chỗ ngồi cho công dân.
Bà Phạm Thị Thơ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn thông tin: Theo kết quả đánh giá, xếp loại chỉ số CCHC năm 2020 do UBND huyện công bố, thị trấn xếp thứ 15/20 xã, thị trấn (ở mức trung bình). Nguyên nhân khiến điểm số thấp như vậy là do cơ sở vật chất phục vụ công tác CCHC chưa được đầu tư đồng bộ; cán bộ văn phòng kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc nên việc tổng hợp, thực hiện báo cáo, ban hành các văn bản, kế hoạch của UBND thị trấn còn chưa kịp thời… Do vậy, chúng tôi đã quán triệt, chỉ đạo cán bộ văn phòng thực hiện nghiêm việc báo cáo, ban hành văn bản theo đúng thời gian quy định; đầu tư thêm 2 dàn máy vi tính (tổng cộng là 7 dàn máy) phục vụ công việc cho 7 cán bộ công chức làm việc tại BPMC; đề nghị UBND huyện đầu tư xây dựng BPMC đảm bảo diện tích để phục vụ các tổ chức, cá nhân đến làm các thủ tục hành chính…
Còn ông Dương Quang Tuyên, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương thẳng thắn chia sẻ: Năm 2020, theo kết quả đánh giá, xếp loại chỉ số CCHC đối với các xã, thị trấn trên địa bàn, xã Xuân Phương đứng thứ 19/20 xã, thị trấn. Chúng tôi đã họp và rút kinh nghiệm đối với những tồn tại, hạn chế trong công tác này. Đồng thời chỉ rõ nguyên nhân khiến xã có điểm số CCHC thấp (do hệ thống máy móc, trang thiết bị chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng giải quyết công việc; việc báo cáo của cán bộ còn chậm…). Chúng tôi cũng đề xuất cơ quan thường trực, cơ quan chuyên môn của huyện trong lĩnh vực này chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những mặt nào xã chưa làm được hoặc làm chưa tốt thì có sự hướng dẫn, định hướng để khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, đề nghị huyện bố trí kinh phí để đầu tư, nâng cấp trang, thiết bị máy móc, phục vụ giải quyết công việc cho cán bộ, công dân tại BPMC.
Ông Dương Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, huyện yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn thực hiện rà soát các nội dung, chỉ số, các tiêu chí thành phần còn đạt điểm thấp, lý do đạt thấp, từ đó đề ra giải pháp khắc phục trong năm 2021 hoặc có lộ trình thực hiện trong thời gian tới; bố trí bổ sung kinh phí tương xứng với nhiệm vụ, yêu cầu để thực hiện CCHC theo quy định; xem xét cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường tuyên truyền hơn nữa đến mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm việc ký số 100% văn bản (trừ văn bản mật), sử dụng hòm thư điện tử công vụ theo quy định…