Xây dựng chính quyền số là một trong số những mục tiêu quan trọng mà tỉnh ta hướng tới khi ban hành Nghị quyết số 01 về chuyển đổi số. Thực hiện mục tiêu này , thời gian qua, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC)… Qua đó, làm đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, đặt nền móng hình thành chính quyền số.
Ngày 29-7, lần đầu tiên, lãnh đạo tỉnh đã có cuộc tiếp công dân theo hình thức trực tuyến. Công dân được tiếp là ông Bùi Đức Kính, tổ dân phố Sơn Hà, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Cuộc tiếp công dân được kết nối 2 điểm cầu là: UBND tỉnh và UBND huyện Đại Từ. Công dân được tiếp thay vì phải đến trụ sở tiếp công dân của tỉnh như trước đây thì chỉ cần đến UBND huyện để trực tiếp đưa ra đề nghị, bày tỏ mong muốn của mình trước các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh đến huyện.
Kết quả buổi làm việc, các cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện đã giải đáp và đưa ra các phương án xử lý đối với nội dung đề nghị của ông Kính. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Đại Từ, các cơ quan chuyên môn xác minh tính chính xác của việc giao đất và việc sử dụng đất, có giải pháp xử lý dứt điểm những vướng mắc về đất đai đối với gia đình ông Kính.
Không chỉ tiếp công dân, thời gian gần đây, hàng trăm hội nghị học tập nghị quyết, tiếp xúc cử tri, tập huấn đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hiện, 100% huyện, thành, thị trong tỉnh đều đã triển khai thực hiện phòng
họp truyền hình trực tuyến, với mạng lưới truyền hình kết nối liên thông 3 cấp: Tỉnh, huyện, xã, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ của địa phương. Cùng với việc thay đổi hình thức hội họp, học tập từ trực tiếp sang trực tuyến, việc giải quyết các TTHC cũng được thực hiện trực tuyến. Hiện nay, trên cổng dịch vụ công của tỉnh hiện đang cung cấp 1.770 thủ tục, trong đó dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 1.261 dịch vụ, mức độ 3 là 43 dịch vụ.
Người dân thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) tra cứu thông tin TTHC qua mạng Internet.
Với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử được đồng bộ ở cả 3 cấp, công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao số tỷ lệ hồ sơ trực tuyến hằng năm đều tăng từ 510%.
Ngoài ra, việc triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh cũng đã hoàn thành được 10/11 hạng mục. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian gần đây, tỉnh ta đã ứng dụng công nghệ số vào phòng, chống dịch COVID-19 thông qua việc lắp đặt, kết nối, tích hợp hệ thống camera giám sát với trên 200 camera tại các khu vực
giãn cách xã hội, các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế, trạm kiểm dịch kết nối với hệ thống giám sát tập trung Quốc gia. Đồng thời, triển khai và đưa vào sử dụng bản đồ dịch tễ COVID-19 và trang thông tin điện tử về dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần đắc lực vào việc thông tin, quản lý, giám sát trong phòng, chống dịch.
Có thể nói việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, triển khai, thực hiện nhiệm vụ trong các cơ quan, đơn vị, tạo lập cơ sở dữ liệu số đã đổi mới hoàn toàn hoạt động của bộ máy chính quyền, tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí, nhất là trong điều
kiện dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành của nước ta, thực hiện việc hạn chế đi lại, tiếp xúc, nhưng mọi công việc vẫn được triển khai, thực hiện tốt. Đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Ngoài những lợi ích thể hiện bằng con số thì sự đổi thay đáng nói nhất chính là nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và người dân. Thể hiện ở việc, các cơ quan, đơn vị đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ, khoảng cách giữa chính quyền với người dân ngày càng được rút ngắn.