Thời gian qua, huyện Đồng Hỷ đã quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả công tác hiện đại hóa nền hành chính. Nổi bật là chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho các cá nhân, tổ chức. Từ đó, góp phần đem lại nhiều tiện ích cho người dân.
Có mặt tại Bộ phận “một cửa” của UBND xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), chúng tôi nhận thấy, cơ sở vật chất ở đây được trang bị khá hoàn thiện. Khu vực tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC được chia thành từng ô tương ứng với các lĩnh vực khác nhau, được bố trí đủ ghế ngồi chờ, bàn viết và nhiều trang thiết bị phục vụ người dân.
Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Nam Hòa cho biết: Để thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa nền hành chính, xã đã từng bước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Bộ phận “một cửa”, như máy scan, máy photocopy, máy tra cứu thông tin... Hiện nay, 100% cán bộ, công chức xã có máy tính và máy in. Các cán bộ, công chức xã đã có tài khoản hộp thư điện tử công vụ; tài khoản trên hệ thống quản lý văn bản đi và đến của huyện để quản lý. Việc sử dụng chữ ký số điện tử trong quản lý điều hành văn bản và công tác quản lý kế toán, ngân sách cũng được ứng dụng hiệu quả.
Ngoài ra, xã cũng thường xuyên nhắc nhở, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận “một cửa”. Do đó, qua đánh giá trong thời gian vừa qua, tại đây không phát hiện tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân khi đến giải quyết TTHC.
Người dân xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) lấy số thứ tự giải quyết thủ tục hành chính bằng máy lấy số tự động đặt tại Bộ phận “một cửa” của UBND xã.
Xác định công tác hiện đại hóa nền hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thời gian qua, huyện Đồng Hỷ đã tập trung thực hiện 6 nội dung chính. Gồm: Phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; hệ thống dùng chung trong họat động công vụ; hệ thống “một cửa” điện tử liên thông; cổng thông tin điện tử của huyện; hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong hoạt động của cơ quan hành chính; sử dụng chữ ký số trong công tác quản lý và điều hành.
Cụ thể, trong năm nay, huyện đã đưa vào sử dụng hệ thống giao ban điện tử trực tuyến và mạng truyền số liệu chuyên dùng tại 2 điểm cầu cấp huyện, liên thông đến 15 điểm cầu cấp xã, thị trấn trên địa bàn. 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã được trang bị máy vi tính phục vụ công việc và cấp tài khoản hộp thư điện tử. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc, đạt tỷ lệ gần 87%. Tỷ lệ văn bản thực hiện kết nối liên thông từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã và văn bản điện tử trao đổi giữa các phòng, ban với UBND các xã, thị trấn dưới dạng điện tử, đạt 100%.
Từ đầu năm đến nay, UBND huyện Đồng Hỷ tiếp nhận gần 7.000 văn bản đến, ban hành trên 2.800 văn bản đi. Tổng số văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số trên hệ thống quản lý văn bản của UBND huyện là hơn 2.750 văn bản. Tổng số hồ sơ được cập nhật, xử lý trên hệ thống “một cửa” điện tử liên thông và trả kết quả tại bộ phận “một cửa” trong 10 tháng qua của cấp huyện và cấp xã là trên 26.500 hồ sơ. Trong đó, giải quyết đúng hạn là hơn 26.100 hồ sơ, đang giải quyết trên 300 hồ sơ. Số hồ sơ quá hạn là hơn 70, chủ yếu do nguyên nhân khách quan.
Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong hoạt động của cơ quan hành chính được áp dụng hiệu quả, nhất là trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Bộ phận “một cửa” của huyện…
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Trịnh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Đồng Hỷ đánh giá: Hiện đại hóa nền hành chính đã góp phần giảm thiểu tình trạng rườm rà khi giải quyết các TTHC của địa phương. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất tại bộ phận “một cửa” ở những xã còn khó khăn; triển khai thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ Chương trình chuyển đổi số của địa phương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, hướng tới nâng cao năng suất lao động, tạo nền tảng xây dựng và phát triển chính quyền điện tử...