Giúp người dân hiểu rõ tiện ích của dịch vụ công trực tuyến

12:54, 04/03/2022

Thời gian qua, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là một trong những giải pháp quan trọng được huyện Phú Lương tập trung thực hiện nhằm từng bước xây dựng chính quyền số. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Với tốc độ phát triển nhanh của hạ tầng công nghệ thông tin, rất nhiều giao dịch trong đời sống xã hội của người dân đã được kết nối thông qua mạng Internet. Phát huy lợi thế đó, thời gian qua, việc giải quyết thủ tục hành chính qua DVCTT đã được huyện Phú Lương triển khai quyết liệt với các biện pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính. Trong đó, giải pháp then chốt chính là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân.

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, huyện đã giao Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông tăng cường tham mưu, triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng như: Xây dựng chuyên mục Cải cách hành chính và đăng tải tin, bài qua hệ thống loa phát thanh, Cổng thông tin điện tử từ cấp huyện đến xã, thị trấn; hướng dẫn và trao đổi thông tin về DVCTT trong các hội nghị tại xã, xóm; thiết kế tài liệu hướng dẫn thực hiện dịch vụ công dưới dạng tệp gấp để cung cấp cho nhân dân ở các xóm trên địa bàn huyện; tuyên truyền trực quan qua pa nô, băng rôn…

Từ năm 2019 đến nay, hàng năm, huyện đều tổ chức Hội thi tuyên truyền cải cách hành chính với nội dung thi đa dạng.

Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc hướng dẫn và tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho cá nhân, doanh nghiệp qua DVCTT.

Theo đó, vào đầu năm, huyện yêu cầu các xã, thị trấn đăng ký từ 3 đến 5 thủ tục hành chính được giải quyết trên dịch vụ công. Các thủ tục còn lại được khuyến khích có ít nhất 30% số thủ tục phát sinh được thực hiện qua hình thức này. Những yêu cầu trên đều được đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm của các xã, thị trấn.

Không chỉ vậy, huyện còn thường xuyên có văn bản đôn đốc người đứng đầu các đơn vị, chính quyền chú trọng giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công mức độ 3, 4. Nhờ vậy, nhiều địa phương đã vào cuộc quyết liệt để nâng cao số thủ tục, hồ sơ được giải quyết qua DVCTT.

Ông Trần Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Yên Đổ cho biết: Do địa phương thuộc miền núi nên điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin và hiểu biết về DVCTT của người dân còn hạn chế. Chính vì vậy, xã thường xuyên văn bản gửi tới các trưởng xóm để tuyên truyền cho người dân về lợi ích, cách sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4. Bên cạnh đó, xã cũng đôn đốc cán bộ trực tại Bộ phận Một cửa tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký tài khoản và cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi người dân đến làm thủ tục hành chính…

Bằng các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến trên địa bàn huyện đã tăng qua các năm. Riêng năm 2021, toàn huyện đã giải quyết 5.587 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (tăng gần 65% số hồ sơ so với năm 2020).

Dịch vụ công được sử dụng nhiều hơn đã giúp tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân.

Để dịch vụ công trực tuyến tiếp tục phát huy được hiệu quả, thực chất phục vụ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương cho biết: Phòng đã và đang xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ và nhân dân về dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ để nâng cao chất lượng phủ sóng Internet trên địa bàn; đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin về chuyển đổi số…