DDCI - Thúc đẩy năng lực cạnh tranh lên tầm cao mới

18:31, 18/04/2022

Thái Nguyên đang tiến hành khảo sát và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). 2022 cũng là năm đầu tiên việc khảo sát chỉ số DDCI được tiến hành trên địa bàn tỉnh, mở ra một cuộc điều tra, khảo sát quy mô nhất từ trước đến nay nhằm đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền các cấp. Từ đó, lan toả và nhân lên tinh thần cải cách hành chính, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Thái Nguyên trên bảng xếp hạng Chỉ số PCI của cả nước.

Duy trì “ngọn lửa” cải cách

Khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011, Thái Nguyên xếp vị trí 57/63 địa phương, thuộc nhóm áp chót trong cả nước. Không còn đường lùi, một tinh thần, một quyết tâm thay đổi mạnh mẽ đã được nhen lên và trở thành “ngọn lửa” cải cách duy trì trong suốt 1 thập kỷ qua, lan toả khắp hệ thống chính trị.

"Nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng môi trường kinh doanh năng động, cải thiện thứ hạng trên bảng xếp hạng Chỉ số PCI" trở thành một trong những mục tiêu xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ của tỉnh. 2 nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khoá XVIII và XIX, hàng chục chương trình hành động của các địa phương, sở, ngành, hàng trăm giải pháp, hàng nghìn việc làm cụ thể để cải thiện Chỉ số PCI đã được triển khai trong suốt 10 năm (2012-2022). Đây cũng là quãng thời gian Thái Nguyên đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế: Vươn lên trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước; tốp các địa phương có kim ngạch xuất khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách… hàng đầu Việt Nam.

Việc tích cực cải thiện Chỉ số PCI đã góp phần giúp Thái Nguyên đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Yên Bình. (Ảnh: T.L)

Có thể nói, thực hiện cải thiện Chỉ số PCI chính là cam kết mạnh mẽ nhất của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên đối với cộng đồng các nhà đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước.

Nếu như Chỉ số PCI là cuộc đánh giá ở quy mô cấp quốc gia, thì DDCI là cuộc khảo sát với cách thức tiến hành, triển khai tương tự, ở cấp tỉnh. Đưa ý kiến đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đến từng cấp cơ sở, từng sở, ban, ngành, thực trạng điều hành kinh tế sẽ tiếp tục được phản ánh một cách trực diện, rõ nét hơn. Doanh nghiệp hài lòng với những điều cụ thể hơn và ngược lại, phản ánh thực chất những tồn tại của môi trường kinh doanh trực diện hơn.

Chọn thời điểm tròn 10 năm quyết liệt cải thiện Chỉ số PCI để bắt đầu tiến hành khảo sát DDCI, tỉnh Thái Nguyên muốn phát đi thông điệp: “Ngọn lửa” cải cách liên tục được duy trì, những cải cách thực chất được tiến hành từ trên xuống dưới, cụ thể từng cơ quan, đơn vị cùng tầm nhìn cho 10 năm sau và xa hơn nữa.

Tấm gương phản chiếu từ cơ sở   

Chỉ số DDCI được xây dựng nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của từng sở, ban, ngành và từng địa phương; cấu thành từ mức độ hài lòng đối với từng phòng, từng nhân viên của hệ thống chính quyền ở cơ sở - bộ phận có quan hệ trực tiếp với các cơ sở kinh tế như hộ kinh doanh, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

DDCI lần đầu được triển khai tại tỉnh Lào Cai vào năm 2013. Đến nay, đa số các địa phương trên cả nước đã tiến hành đánh giá DDCI hằng năm. Chỉ số này được coi là chiếc gương phản chiếu chính xác đánh giá của các doanh nghiệp, doanh nhân, cơ sở kinh tế về tổng thể các mặt và công tác quản lý và điều hành kinh tế của các cấp chính quyền địa phương.

14 nguyên tắc điều hành kinh tế áp dụng trong DDCI

1. Hiệu quả trong thực hiện chính sách và quy định pháp luật với tinh thần vì doanh nghiệp.

2. Chất lượng dịch vụ công liên tục được cải thiện.

3. Minh bạch thông tin và đối xử công bằng với doanh nghiệp.

4. Lãnh đạo chính quyền năng động, tiên phong, lắng nghe và hành động vì doanh nghiệp.

5. Đối thoại thường xuyên có trách nhiệm với doanh nghiệp và đề cao trách nhiệm giải trình.

6. Gia nhập thị trường dễ dàng, thuận tiện với chi phí thấp.

7. Dễ dàng và minh bạch trong tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh.

8. Hiệu quả trong hoạt động cấp phép và thanh tra, kiểm tra.

9. Thủ tục thuế đơn giản, thuận lợi, minh bạch và công bằng.

10. Thủ tục hành chính được cải thiện mạnh mẽ và bộ phận một cửa hoạt động hiệu quả.

11. Hoạt động hỗ trợ kinh doanh thiết thực, hiệu quả, công bằng.

12. Chi phí không chính thức được đẩy lùi.

13. Các nội dung phát triển bao trùm, xã hội và bình đẳng giới được quan tâm.

14. Môi trường, sinh thái, các giá trị văn hóa, lịch sử được chú trọng trong công tác điều hành.

Chỉ số DDCI, từ đó có thể coi là nhiệt kế đo lường sự hài lòng về môi trường kinh doanh và cảm nhận về triển vọng môi trường kinh doanh trong bối cảnh cụ thể.

Các chỉ số thành phần của DDCI khi khảo sát đươc áp vào nhiệm vụ, chức năng quản lý điều hành giữa cơ quan chính quyền cấp huyện và các sở, ngành là khác nhau và đối tượng phục vụ chính của các cơ quan này cũng khác nhau. DDCI sử dụng 2 nhóm chỉ số nhằm đánh giá năng lực điều hành của chính quyền cấp huyện và của cấp sở ngành. Các chỉ số thành phần này có tính phổ quát và phù hợp là thang điểm chung với tất cả các đối tượng trong từng nhóm cơ quan chính quyền được đánh giá.

10 chỉ số cốt lõi của DDCI được sử dụng nhằm đánh giá năng lực điều hành của cấp địa phương

1. Chi phí gia nhập thị trường.

2. Khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh.

3. Chất lượng dịch vụ công trong cấp phép và hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra.

4. Tính năng động, tiên phong của lãnh đạo huyện.

5. Hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình.

6. Minh bạch thông tin và đối xử công bằng.

7. Hiệu quả cải cách TTHC, chất lượng dịch vụ công và hiệu quả của bộ phận một cửa.

8. Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh.

9. Chi phí không chính thức.

10. Hiệu quả của công tác an ninh trật tự.

Tháng 4-2022, qua lấy ý kiến khảo sát của 1.000 đơn vị gồm: Hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và một số tổ chức kinh tế khác, tỉnh Thái Nguyên sẽ lần đầu tiên công bố xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của các cơ quan trong hệ thống chính quyền tỉnh năm 2021. Kết quả này sẽ là cơ sở quan trọng để từng sở, ban, ngành, từng địa phương cấp huyện đánh giá, điều chỉnh, khắc phục để quá trình phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.

 

Chỉ số thành phần của DDCI được sử dụng nhằm đánh giá năng lực điều hành của cấp sở, ngành 

1. Hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch.

2. Chất lượng dịch vụ công.

3. Minh bạch thông tin và đối xử công bằng.

4. Tính năng động và trách nhiệm giải trình.

của cán bộ lãnh đạo sở, ngành.

5. Chi phí không chính thức.

Bên cạnh đó, DDCI của sở, ngành còn có thể được xây dựng bao gồm một số chỉ số thành phần mở rộng.