Việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Đối với Thái Nguyên, hạ tầng, nhân lực cơ bản đã đáp ứng. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng DVCTT trên địa bàn tỉnh chưa cao. Để tiếp tục khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này thì việc giảm thu lệ phí đối với DVCTT mức độ 4 sẽ là một “đòn bẩy” và là giải pháp đạt nhiều mục đích.
Đó cũng là nội dung trọng tâm của dự thảo Nghị quyết Quy định phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp DVCTT mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh. Trong đó, quy định giảm 50% mức thu lệ phí đối với hoạt động cung cấp DVCTT mức độ 4 trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành và nhiều người quan tâm. Bởi hiện nay, trong tổng số 14 loại phí và 06 loại lệ phí thì đa số các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc các loại phí, lệ phí này đã thực hiện ở mức độ 4.
Điều ai cũng nhận thấy là việc thực hiện TTHC qua DVCTT đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp như: Giảm thời gian và chi phí đi lại trong việc gửi hồ sơ và nhận kết quả, giảm chi phí in ấn hồ sơ, giấy tờ bằng bản giấy; tăng tính công khai, minh bạch của TTHC; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, cơ quan giải quyết TTHC...
Tuy nhiên, việc đưa thành công các dịch vụ công lên môi trường trực tuyến mới chỉ là tạo thêm một kênh để giải quyết các TTHC, cần có các chính sách phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng dịch vụ công theo phương thức trực tuyến, đặc biệt là DVCTT ở mức độ cao (mức độ 4), góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển chính quyền số và đẩy mạnh CCHC.
Bên cạnh đó, việc quy định phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp DVCTT mức độ 4 trên địa bàn tỉnh sẽ tạo cơ sở thống nhất cho các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp, sử dụng dịch vụ trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện.
Trước đây, các mức phí, thu phí khi sử dụng DVCTT được áp dụng theo hình thức sử dụng dịch vụ trực tiếp. Đặc biệt, việc giảm 50% lệ phí sẽ khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT ở mức cao nhất. Vì vậy, việc quy định mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp DVCTT là cần thiết, đảm bảo kịp thời có những quy định, chính sách phù hợp nhằm nâng cao tỷ lệ giải quyết TTHC qua DVCTT.
Trước đó, các sở, ngành có liên quan (Thông tin và Truyền thông, Tài Chính, Tư pháp…) đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến, thống nhất để xây dựng nội dung và tham mưu trình UBND theo đúng quy định.
Dự thảo Nghị quyết đã được lấy ý kiến của các sở, ngành, địa phương, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và được Sở Tư pháp thẩm định. Sau khi nhận được ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương, đơn vị và ý kiến của Sở Tư pháp, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết.
Tại Phiên họp UBND tỉnh thứ 11 ngày 09/6/2022, các thành viên UBND tỉnh đã thảo luận, tham gia ý kiến và thống nhất trình HĐND tỉnh dự thảo Nghị quyết này.
Theo đó, đối với các loại phí, mức thu được quy định bằng mức thu đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tiếp theo quy định hiện hành. Đối với các loại lệ phí, mức thu lệ phí đối với hoạt động cung cấp DVCTT mức độ 4 quy định bằng 50% mức thu đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tiếp theo quy định hiện hành.
Các loại lệ phí được giảm gồm: Đăng ký cư trú; hộ tịch; cấp giấy phép cho người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; cấp giấy phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (lệ phí địa chính) trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của các sở, ngành liên quan, số thu từ các khoản lệ phí trên hàng năm không lớn (khoảng hơn 04 tỷ đồng/năm). Như vậy, với mức giảm 50% nghĩa là làm giảm thu ngân sách chỉ khoảng 02 tỷ đồng mỗi năm (trường họp người sử dụng dịch vụ sử dụng 100% các thủ tục trên bằng DVCTT).
Vậy nhưng, mức giảm trên sẽ có ý nghĩa không nhỏ đối với người dân, tổ chức khi họ vừa được giảm chi phí vừa tiết kiệm thời gian, công sức, tránh phiền hà… Đây cũng là giải pháp thiết thực để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT.
Ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, chia sẻ: Nghị quyết Quy định về mức phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp DVCTT mức độ 4 trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh thông qua và ban hành sẽ là một trong những chính sách tăng cường, khuyến khích và từng bước làm thay đổi thói quen của người dân và doanh nghiệp về sử dụng các DVCTT; góp phần đẩy mạnh CCHC, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030.