Là địa phương miền núi, những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của huyện Phú Lương từng bước chuyển dịch sang lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện... Có được kết quả đó là bởi Phú Lương đã chú trọng đến khả năng điều hành của bộ máy chính quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI).
Bà Hoàng Thị Hiền Hà, Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Phú Lương, cho biết: Thực hiện Quyết định số 4186/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt “Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương”, UBND huyện Phú Lương đã triển khai nội dung trên đến tất cả các phòng, ban trực thuộc. Đồng thời, UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của UBND tỉnh cũng như Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022.
Để khẳng định quyết tâm trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, huyện Phú Lương thực hiện công khai các quy định về thủ tục hành chính (TTHC), bảo đảm các nguyên tắc: Minh bạch, nhanh gọn và được dán công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi trực tiếp giải quyết TTHC. Huyện bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức có năng lực, trách nhiệm để hướng dẫn tổ chức, cá nhân chuẩn bị hồ sơ, tiếp nhận, xử lý các TTHC. Cùng với đó, Phú Lương đã cung cấp thông tin chi tiết về pháp lý, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án kêu gọi đầu tư… trên Cổng thông tin điện tử của huyện. Các TTHC thuộc thẩm quyền được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở cả cấp huyện và cấp xã. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc được thực hiện đồng bộ.
Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Yên Lạc, quy mô 25,6ha, vị trí giáp Quốc lộ 3 mới (Thái Nguyên - Chợ Mới) được huyện Phú Lương công khai rộng rãi nhằm thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu thông tin và cơ hội đầu tư.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, huyện Phú Lương thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại, dịch vụ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Huyện đã tập trung xây dựng và triển khai các đề án, cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã một cách thiết thực, phù hợp, như: Tiếp cận các dịch vụ khoa học, kỹ thuật thông qua hoạt động khuyến công; giới thiệu quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm và trên các sàn thương mại điện tử; tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận vốn vay ưu đãi…
Hiện trên địa bàn huyện có trên 1.250 cơ sở sản xuất công nghiệp, xây dựng; tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực này hằng năm đều đạt trên 10%. Huyện Phú Lương có trên 40 làng nghề và đang không ngừng được mở rộng, với sản phẩm khá đa dạng, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Các làng nghề đã thu hút trên 3.600 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình tham gia với gần 10.000 lao động, góp sức tạo ra sản phẩm và thu nhập ổn định.
Bên cạnh đó, UBND huyện đã xây dựng bộ quy trình thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến nghiên cứu, khảo sát. Hằng năm, huyện Phú Lương tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu chính quyền, các phòng chuyên môn với đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã để trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ông Trịnh Xuân Dũng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Phú Lương, chia sẻ: Chúng tôi rất hài lòng và yên tâm trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh tại địa phương, bởi người đứng đầu chính quyền và các phòng, ban chuyên môn của huyện luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin và trình tự TTHC công khai, chi tiết và minh bạch.
Còn ông Hoàng Xuân Thủy, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Phú Lương thông tin: Theo đánh giá của tỉnh, năm 2021, Phú Lương xếp thứ 4/9 huyện, thành phố về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp địa phương. Đây là cơ sở để UBND huyện xây dựng và triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chỉ số này trong thời gian tới. Mục tiêu của Phú Lương trong năm 2022 là nằm trong nhóm địa phương tốp đầu của tỉnh về xếp hạng Chỉ số DDCI.
Để đạt được mục tiêu đó, giải pháp được huyện Phú Lương đề ra là không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo mặt bằng sạch phục vụ các dự án đã được chấp thuận đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; công khai các quy hoạch, cơ chế chính sách trên địa bàn; thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã để kịp thời nắm bắt thông tin, giải quyết vướng mắc và tiếp thu những phản ánh, kiến nghị, từ đó có điều chỉnh kịp thời nhằm thực hiện nhiệm vụ tốt hơn…
Bên cạnh các giải pháp trên, huyện Phú Lương cũng chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Hiện nay, tận dụng lợi thế có tuyến Quốc lộ 3 cũ (đã được nâng cấp, cải tạo) và Quốc lộ 3 mới (Thái Nguyên - Chợ Mới - Bắc Kạn) chạy qua, huyện đã quy hoạch 2 cụm công nghiệp Yên Lạc và Yên Ninh để “kéo” các nhà đầu tư. Cùng với đó, 100% số xã đều có đường nhựa kết nối đến trung tâm huyện. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư, nhanh chóng triển khai và đưa các dự án vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.