Thời gian gần đây, huyện Định Hóa là địa phương chịu nhiều thiệt hại về người, tài sản do mưa lũ, thiên tai gây ra. Nguyên nhân do đâu và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) ở địa phương miền núi này như thế nào? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện.
P.V: Xin ông cho biết những thiệt hại về người, tài sản do mưa lũ, thiên tai gây ra trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay?
Ông Ma Đình Đối: Từ đầu mùa mưa lũ đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra nhiều trận mưa dông, tố lốc, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất làm thiệt hại lớn về người, tài sản, hoa màu của nhân dân trên địa bàn. Cụ thể đã làm 4 người bị chết do lũ cuốn trôi, 1 người bị thương do sét đánh; khoảng 174ha lúa mới cấy, ngô, mạ bị ngập úng và vùi lấp; có khoảng 20 tuyến đường giao thông, thủy lợi và các công trình công cộng bị sạt lở, hư hỏng nặng… Ước tổng thiện hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện trong 6 tháng đầu năm khoảng 10 tỷ đồng.
P.V: So với những năm trước, thì thiệt hại do mưa lũ, thiên tai gây ra là rất lớn, đặc biệt là trận lũ cuốn trôi xe ô tô làm 4 người trong một gia đình thiệt mạng. Xin ông cho biết nguyên nhân chính dẫn đến những thiệt hại đó?
Ông Ma Đình Đối: Vụ tai nạn xảy ra vào đêm 7-7 tại xã Linh Thông khi có mưa to, lũ thượng nguồn đổ về bất ngờ với lượng nước rất lớn nên khó khăn trong việc cảnh báo, kiểm soát người và phương tiện qua lại trên các cầu tràn; bản thân và gia đình nạn nhân chủ quan lái xe trong đêm không thể quan sát và phân biệt được đường và cầu tràn nên đã dẫn đến tai nạn đáng tiếc...
P.V: Có ý kiến cho rằng khi xảy ra mưa lũ, do tại khu vực các đập tràn qua suối thường không có biển cảnh báo nguy hiểm và người canh gác nên đã xảy ra trường hợp tai nạn đáng tiếc như vậy, ông có nhận xét gì về ý kiến đó?
Ông Ma Đình Đối: Công tác PCTT luôn được huyện quan tâm và chú trọng. Đầu mùa mưa lũ năm 2016-2017, huyện đã mua sắm, cấp phát cho các xã biển cảnh báo nguy hiểm, dây phản quang… đặt tại cầu tràn qua suối và những vị trí có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, đá để cảnh báo nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và ban chỉ huy phòng chống thiên tai cử lực lượng túc trực ở 2 đầu cầu tràn để kiểm soát, hướng dẫn người và các phương tiện giao thông qua lại. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp có đồi núi cao, độ dốc lớn, nhiều khe suối chia cắt và cũng do tính chất phức tạp của thời tiết nên đã gây không ít khó khăn trong công tác cảnh báo và việc túc trực tại các địa điểm xung yếu.
P.V: Theo đánh giá của ông thì trên địa bàn huyện, vùng nào xác định tiềm ẩn nguy cơ cao về lũ, lũ ống, lũ quét?
Ông Ma Đình Đối: Đó là các xã: Linh Thông, Quy Kỳ, Lam Vỹ, Tân Thịnh, Tân Dương và Kim Phượng. Các xã này nằm ở phía Bắc của huyện có địa hình đồi núi cao, nhiều khe suối, địa hình phức tạp.
P.V: Hiện nay, do tập quán sinh sống, nhiều hộ dân làm nhà sát chân đồi, núi trong khi mái ta-luy không đảm bảo kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao, huyện có giải pháp nào để giảm thiểu thiệt hại thưa ông?
Ông Ma Đình Đối: Đó là một thực trạng mà chúng tôi đang có nhiều giải pháp tháo gỡ như: tuyên truyền, chỉ đạo người dân không làm nhà ở những nơi có độ dốc lớn, vị trí trũng thấp có thể hình thành dòng chảy hoặc lũ ống khi mưa lớn bất thường; rà soát thống kê các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ, xây dựng phương án hỗ trợ để di dời nhà ở đến nơi an toàn; thường xuyên thông tin về tình hình thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặt các biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm để người dân biết và chủ động phòng tránh; chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt, tìm kiếm cứu nạn và kịp thời triển khai lực lượng khi mưa lớn xảy ra, đặc biệt tổ chức di dời người và tài sản các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao về sạt lở đất trên địa bàn.
P.V: Tình hình thời tiết, mưa lũ, thiên tai còn nhiều diễn biến phức tạp, từ nay đến cuối năm huyện sẽ tập trung vào những việc gì để giảm thiểu thiệt hại, thưa ông?
Ông Ma Đình Đối: Phải theo dõi sát sao tình hình diễn biến thời tiết, mưa lũ, đặc biệt là những tình huống bất thường để tuyên truyền cho người dân biết và chủ động trong công tác phòng tránh, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại theo phương châm 4 tại chỗ và 3 sẵn sàng; các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thường xuyên bám sát cơ sở, đặc biệt trong những ngày có cảnh báo thời tiết nguy hiểm, và khi thiên tai xảy ra; theo dõi sát sao mực nước tại các hồ chứa nước lớn trên địa bàn để chủ động trong việc xả lũ, đảm bảo an toàn vùng hạ du; có phương án di dời người dân khi cần thiết; tăng cường kiểm tra các khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, đôn đốc các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm chủ động sơ tán đảm bảo an toàn về người và tài sản...
P.V: Xin cảm ơn ông!