Để đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh được thành lập. Sau hơn một năm đi vào hoạt động, lực lượng này đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác phòng cháy, chữa cháy - cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) trên địa bàn. Nhằm tìm hiểu rõ hơn về những hoạt động của đơn vị còn khá non trẻ này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn Đại tá Nguyễn Văn Thực, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh.
P.V: Xin đồng chí cho biết Cảnh sát PCCC Thái Nguyên được thành lập trên cơ sở nào?
Đại tá Nguyễn Văn Thực: Đơn vị được thành lập trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng cảnh sát PCCC-CNCH đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an đối với các địa phương có công nghiệp và dịch vụ phát triển, nhiều cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao.
P.V: Chức năng, nhiệm vụ chính của đơn vị là gì, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Văn Thực: Chúng tôi có chức năng tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC - CNCH và thống nhất quản lý nhà nước về PCCC-CNCH theo quy định của pháp luật; tham gia công tác đảm bảo an ninh quốc gia và gìn giữ trật tự an toàn xã hội; tổ chức xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
P.V: Công tác PCCC-CHCN là nhiệm vụ chính của lực lượng Cảnh sát PCCC, ngoài ra còn dựa vào lực lượng nào nữa, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Văn Thực: Ngoài lực lượng cảnh sát PCCC-CNCH, theo quy định của Luật PCCC còn có lực lượng dân phòng, lực PCCC cơ sở và lực lượng chuyên ngành. Đây là lực lượng rất quan trọng, không thể thiếu trong công tác PCCC-CNCH ngay từ cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ.
P.V: Đồng chí có thể nói cụ thể hơn về lực lượng này?
Đại tá Nguyễn Văn Thực: Lực lượng dân phòng được thành lập ở xóm, tổ dân phố, có từ 10 đến 30 đội viên; lực lượng PCCC cơ sở được thành lập ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; lực lượng PCCC chuyên ngành được thành lập tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp có nguy cơ cháy nổ cao. Những đơn vị nào mà chưa có lực lượng này thì cần sớm thành lập theo quy định của pháp luật. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập được 2.683 đội dân phòng, củng cố trên 2.000 đội PCCC cơ sở.
P.V: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quả lý nhà nước về PCCC, đơn vị nhận thấy các tổ chức, cá nhân thường có những thiếu sót, vi phạm gì trong công tác này, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Văn Thực: Các thiếu sót, vi phạm chủ yếu là cơ sở không có hệ thống thoát hiểm, thoát nạn; hệ thống chữa cháy tự động; phương tiện chữa cháy; phương án chữa cháy và thực tập phương án chữa cháy… Hơn một năm qua, chúng tôi đã kiểm tra trên 6.000 lượt cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó đã nhắc nhở, lập biên bản hơn 1.000 tổ chức, cá nhân có sai phạm và xử phạt hành chính hơn 100 trường hợp.
P.V: Theo đánh giá của đồng chí thì nguyên nhân chính của những thiếu sót, vi phạm này là gì?
Đại tá Nguyễn Văn Thực: Chúng tôi cho rằng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về PCCC của một số người đứng đầu cơ sở, địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo; công tác kiểm tra, giám sát của ngành chức năng chưa nhiều; do ý thức chủ quan của tổ chức, cá nhân về PCCC; nhiều đơn vị, địa phương không đủ kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị PCCC…
P.V: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị có gặp khó khăn gì, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Văn Thực: Phương tiện chữa cháy phần lớn đã cũ; biên chế thiếu, đặc biệt là thiếu lái xe chữa cháy chuyên nghiệp; ở những huyện xa chưa có đội, tổ PCCC… trong khi tình hình cháy nổ, tai nạn sự cố xảy ra có chiều hướng ngày càng phức tạp.
P.V: Sau hơn một năm đi vào hoạt động, đồng chí có thể cho biết kết quả đạt được trong công tác PCCC-CHCN?
Đại tá Nguyễn Văn Thực: Với sự nỗ lực của lực lượng, sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên và sự ủng hộ của nhân dân, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên tất cả các mặt công tác, trong đó phải kể đến công tác PCCC-CHCN. Hơn một năm qua, chúng tôi đã tổ chức chữa cháy 213 vụ; cứu hộ cứu nạn 23 vụ tai nạn, sự cố, đuối nước, trong đó cứu được 13 người, tìm vớt 16 thi thể đuối nước, tự tử… Không để xảy ra các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng.
P.V: Những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong thời gian tới đây là gì, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Văn Thực: Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm, trong đó công tác PCCC-CHCN luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp chỉ đạo công tác phòng cháy chữa chãy; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng điển hình tiên tiến trong phong trào PCCC; xây dựng lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và chuyên ngành; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành pháp luật PCCC; triển khai có hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ đối với các sự cố tai nạn, như: cháy nổ, sạt lở đất đá, đuối nước, sự cố tai nạn…
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!