Phòng, chống tai nạn lao động, đuối nước: Nhiều người còn lơ là và vi phạm nội quy, quy trình an toàn

16:14, 02/10/2017

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ), tai nạn đuối nước thương tâm. Để tìm hiểu rõ nguyên nhân, từ đó có sự cảnh tỉnh đối với mọi người về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Bùi Tuấn Thịnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

P.V: Xin ông cho biết từ đầu năm đến nay, tình trạng TNLĐ, tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh diễn biến như thế nào?

 

Ông Bùi Tuấn Thịnh: Tình trạng TNLĐ, tai nạn đuối nước diễn biến có phần phức tạp hơn những năm trước. Tính trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 24 vụ đuối nước, có những vụ rất thương tâm, như vụ 3 mẹ con tắm ở đập xóm Tiến Thành, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ làm cả 3 mẹ con tử vong; vụ gia đình 4 người bị lũ cuốn ở Linh Thông (Định Hóa)… Còn TNLĐ xảy ra 52 vụ, trong đó có 8 vụ tai nạn làm chết 8 người, giảm 2 người so với cùng kỳ năm 2016. Mới đây nhất là vụ hai người chết do ngạt khí khi dọn vệ sinh tại Trường Mầm non xã Phủ Lý, huyện Phú Lương.

P.V: So với những năm trước, TNLĐ, tai nạn đuối nước có tăng hơn không, thưa ông?

Ông Bùi Tuấn Thịnh: So với cùng kỳ năm trước, cả TNLĐ và tai nạn đuối nước đều tăng. Cụ thể, TNLĐ tăng 9 vụ, tai nạn đuối nước tăng 5 vụ.

P.V: Tai nạn thường xảy ra ở những đơn vị, địa phương nào, thưa ông?

Ông Bùi Tuấn Thịnh: TNLĐ thường xảy ra ở nhóm ngành xây dựng, khai thác mỏ và luyện kim. Còn tai nạn đuối nước xảy ra ở hầu hết các địa phương, trong đó huyện Phú Bình, Đại Từ, T.X Phổ Yên và T.P Thái Nguyên xảy ra nhiều nhất.

P.V: Nguyên nhân của những vụ tai nạn trên là gì, thưa ông?

Ông Bùi Tuấn Thịnh: Đối với tai nạn đuối nước là do địa bàn tỉnh có nhiều sông, suối, ao hồ; ý thức phòng ngừa tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cũng như kỹ năng phòng tránh chưa cao, nhiều người còn lơ là, chủ quan; thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước; chưa có nhiều khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, đặc biệt là dịp hè; việc tổ chức dạy bơi cho trẻ chưa nhiều; trong các trường học, quỹ đất, kinh phí xây dựng bể bơi còn thiếu… Ngoài ra còn do thiên tai, bão lũ xảy ra bất thường đã dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm. Đối với TNLĐ, có tới 90% các vụ TNLĐ là do người lao động vi phạm nội quy, quy trình an toàn lao động, như không sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân, không tuân thủ quy trình vận hành máy, thiết bị… Ngoài ra, còn do người sử dụng lao động không thực hiện công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động hoặc có sử dụng nhưng không đầy đủ.

P.V: Trong các chức năng của mình, thì có chức năng tham mưu với UBND tỉnh về an toàn lao động, ông có thấy trách nhiệm của ngành khi tình hình TNLĐ gia tăng không, thưa ông?

Ông Bùi Tuấn Thịnh: Xảy ra TNLĐ, tai nạn đuối nước là điều vô cùng đáng tiếc và đau sót. Không ai mong muốn điều đó xảy ra. Thường thì người ta hay quy trách nhiệm cho ngành, địa phương nào đó, cho ai đó khi xảy ra các vụ việc. Theo tôi thì trước tiên phải là người sử dụng lao động, bản thân người lao động phải có trách nhiệm, trong đó có phần của chúng tôi chưa thật sự nghiêm khắc trong thanh tra, kiểm tra, xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm.

P.V: Để không xảy ra những cái chết thương tâm như vừa rồi, theo ông thì cần có những biện pháp phòng tránh nào?

Ông Bùi Tuấn Thịnh: Cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong phòng, chống tai nạn, tai nạn thương tích, Phòng, chống đuối nước trẻ em; củng cố nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, giáo viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức các lớp dạy bơi an toàn cho trẻ em; thường xuyên kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật, chính sách, tiêu chuẩn về phòng, chống tai nạn, thương tích, Phòng, chống đuối nước trẻ em để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm… Đối với TNLĐ cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra thực hiện các quy định về an toàn lao động - vệ sinh lao động, đặc biệt là công tác huấn luyện an toàn lao động; các cấp chính quyền cùng vào cuộc để phổ biến và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện đến từng hộ gia đình, cơ sở có sử dụng lao động, nhất là lao động mùa vụ...

P.V: Xin cảm ơn ông!