Để sự hy sinh không rơi vào quên lãng

16:44, 13/04/2018

Mới đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ra chủ trương nhằm tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên). Đây là một chủ trương có ý nghĩa thiết thực, xứng tầm với sự hy sinh to lớn của 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915 (Đội TNXP 91 Bắc Thái). Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn ông Lê Huy Lanh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh về những đóng góp, hy sinh của Đại đội 915 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ thời gian qua.

P.V: Cảm ơn ông đã tham gia trả lời phỏng vấn. Trước hết, ông có thể cho biết vai trò, nhiệm vụ của Đại đội 915 (Đội TNXP 91 Bắc Thái) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước?

Ông Lê Huy Lanh: Đại đội 915 thuộc Đội TNXP 91 Bắc Thái được thành lập tháng 6-1972 với 102 cán bộ, đội viên, phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số với độ tuổi từ 17 đến 20. Ngay sau khi thành lập, Đại đội nhận nhiệm vụ sửa chữa, duy tu và nâng cấp Quốc lộ 1B, Quốc lộ 3, đường 16A… nhằm phục vụ tốt nhất việc lưu thông hàng hóa cho các chiến trường đánh Mỹ. Trong thời điểm này, Mỹ phong tỏa ngư lôi các cảng đường biển miền Bắc, Thái Nguyên đã trở thành “cảng nổi” tiếp nhận hàng viện trợ từ các nước anh em. Các tuyến đường của tỉnh Thái Nguyên trở thành đường chiến lược rất quan trọng.

Đầu tháng  9-1972, Đại đội 915 được điều sang làm nhiệm vụ san lấp ổ gà, sửa chữa và đảm bảo giao thông trên đường 16A, đoạn đường từ Chùa Hang đi Trại Cau. Ngày 13-9-1972, máy bay Mỹ ồ ạt đến ném bom, bắn phá xuống đoạn đường nơi cán bộ, đội viên Đại đội 915 đang sửa chữa khiến đội viên Hoàng Thị Cát hy sinh tại chỗ và 8 đồng chí khác bị thương. Với tinh thần “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, trong tiếng gầm rú xé tai của máy bay và tiếng nổ chát chúa của bom đạn Mỹ, cán bộ, đội viên Đại đội 915 vẫn dũng cảm, bám trụ, ngày đêm miệt mài san lấp hố bom, ổ gà, ổ voi đảm bảo giao thông vận tải, góp phần quan trọng cùng với quân và dân trong tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp nhận và trung chuyển lương thực, hàng hóa cho các chiến trường.

P.V: Sự kiện 60 TNXP hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại Ga Lưu Xá (T.P Thái Nguyên) đêm Noel 24-12-1972 đã trở thành khúc tráng ca bất tử của Đại đội 915 và đi vào lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông có thể kể lại các tình tiết xảy ra trong đêm Noel màu lửa đó?

Ông Lê Huy Lanh: Những ngày cuối tháng 12-1972, Đại đội 915 được Ban Chỉ huy Đội 91 giao nhiệm vụ cử 60 cán bộ, đội viên cùng với 40 cán bộ, đội viên Đại đội 912 xuống Ga Lưu Xá làm nhiệm vụ. Nhận rõ sự khẩn trương và tính cấp bách của việc giải tỏa lương thực và hàng quân sự phục vụ chiến đấu ở Ga Lưu Xá, 100% cán bộ và đội viên Đại đội 915 đã xung phong xuống làm nhiệm vụ. Nhưng do yêu cầu nhiệm vụ ở các nơi khác, Ban Chỉ huy Đại đội 915 chỉ lựa chọn 66 cán bộ và đội viên đi làm nhiệm vụ tại Ga Lưu Xá.

Ngày 24-12-1972, 66 cán bộ và đội viên Đại đội 915 thực nhiệm vụ giải tỏa hàng quân sự, phục vụ chiến đấu tại Ga Lưu Xá đã làm việc miệt mài quên ăn, quên nghỉ. Mãi đến tối, các cán bộ, đội viên Đại đội 915 mới tạm nghỉ tay để ăn cơm tối. Nhưng chưa kịp ăn cơm tối thì 34 máy bay B52 và 40 máy bay chiến thuật của đế quốc Mỹ đã ồ ạt lao vào ném hơn 700 quả bom phá các loại xuống khu Nam thành phố Thái Nguyên. Một trong những trái bom oan nghiệt từ máy bay B52 của đế quốc Mỹ ném xuống đã trúng căn hầm trú ẩn của Đại đội 915, cướp đi sinh mạng của 59 cán bộ, đội viên Đại đội 915 và 1 Đội phó Đội TNXP 91; 7 TNXP khác trong Đội bị thương rất nặng… Đau xót, bi thương, sau trận mưa bom đó, chúng tôi lần tìm đồng đội trong đống đổ nát. Tất cả đều giàn giụa nước mắt, ôm chặt những đồng đội thân thiết, tri kỷ của mình.

Vượt lên đau thương, mất mát, các thành viên còn lại của Ðại đội 915 và toàn Ðội TNXP 91 vẫn kiên trì bám trụ, kịp thời giải tỏa vận chuyển hết số lương thực, hàng hóa còn tồn đọng ra khỏi các trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ đến nơi an toàn; góp phần đánh bại âm mưu phong tỏa miền Bắc của đế quốc Mỹ trên mặt trận giao thông vận tải.

P.V: Ông đánh giá như thế nào về công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tôn vinh sự hy sinh của các liệt sĩ TNXP Đại đội 915 trong thời gian qua?

Ông Lê Huy Lanh: Có thể khẳng định, sự hy sinh anh dũng của 60 TNXP tại Ga Lưu Xá đêm 24-12-1972 là một trong những tổn thất lớn nhất của lực lượng TNXP trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 2009, Đại đội 915 đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - đơn vị có thành tích đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những năm qua, Hội Cựu TNXP tỉnh cùng với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trong các thế hệ để hiểu hơn về sự hy sinh đó. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng cũng phải nhìn nhận lại rằng, công tác này còn nhiều hạn chế. Tôi mong rằng các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc tuyên truyền, giáo dục về truyền thống, tôn vinh những giá trị lịch sử để xứng tầm hơn với sự hy sinh to lớn của các liệt sĩ TNXP Đại đội 915.

P.V: Mới đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chủ trương nhằm tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên), ông nhận định như thế nào về chủ trương này?

Ông Lê Huy Lanh: Năm 2009, cùng với việc Đại đội 915 đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Khu di tích đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận Di tích lịch sử Quốc gia. Mặc dù những năm qua, Khu di tích đã được quan tâm đầu tư xây dựng, song thực tế, các hạng mục công trình đã phát sinh một số vấn đề đòi hỏi phải tiếp tục trùng tu tôn tạo để tương xứng với giá trị lịch sử vốn có. Vì vậy, chủ trương thực hiện tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích mới đây của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là một chủ trương hết sức ý nghĩa, thiết thực, xứng tầm với sự hy sinh của 60 liệt sĩ TNXP, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Hy vọng Khu Di tích lịch sử Quốc gia TNXP Đại đội 915 sẽ phát huy được hết giá trị lịch sử và tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh, xứng tầm là một “địa chỉ đỏ” thu hút khách tham quan chiêm bái, tưởng nhớ các liệt sĩ TNXP.

P.V: Ông có thể nhắn nhủ điều gì với thế hệ trẻ hiện nay để họ không thể quên những hy sinh to lớn, trở thành bất tử của Đại đội TNXP 915?

Ông Lê Huy Lanh: Các bạn trẻ ngày nay được sống trong hòa bình, với nhiều điều kiện thuận lợi để học tập, rèn luyện thể lực, đạo đức. Vì vậy, hãy ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện, làm chủ khoa học kỹ thuật, thỏa sức thực hiện ước mơ hoài bão của tuổi trẻ và đóng góp sức lực xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh. Đó cũng là những điều mong muốn của những thế hệ đã trải qua chiến tranh, của các liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, trong đó có 60 liệt sĩ Đại đội TNXP 915 Anh hùng.