Vì việc làm, đời sống của người lao động

10:19, 18/04/2018

“Vì việc làm, đời sống và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, tiếp tục xây dựng tổ chức công đoàn và đội ngũ công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) vững mạnh, góp phần xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp, theo hướng hiện đại”, đó là mục tiêu tổng quát được đề ra tại Đại hội Công đoàn tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018-2023. Để độc giả hiểu rõ về những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn, tất cả vì lợi ích của đoàn viên, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thái Nguyên. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn…

PV: Trong những năm qua đội ngũ CNVCLĐ có sự phát triển nhanh, vậy tổ chức Công đoàn đã làm gì để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ?

Đ/c Vũ Duy Hoàng: Chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNVCLĐ là chức năng nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tổ chức công đoàn. Nhiệm kỳ vừa qua LĐLĐ tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. Công đoàn các cấp đã tổ chức kiểm tra hơn 940 đơn vị, phối hợp thanh tra, kiểm tra được gần 1.600 cuộc về thực hiện pháp luật, BHXH, BHYT và gần 280 đơn vị về công tác an toàn vệ sinh. Qua đó đã kiến nghị các doanh nghiệp quan tâm cải thiện điều kiện lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho công nhân, lao động.

Hằng năm, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo Công đoàn cơ sở thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức; Hội nghị Người lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc giữa người lao động và người sử dụng lao động nhằm chia sẻ thông tin, đồng thời thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ, các hoạt động từ thiện - xã hội cũng được các cấp Công đoàn trong tỉnh quan tâm thực hiện tốt. Đã có gần 300.000 trường hợp CNVCLĐ khó khăn được tặng quà, giúp đỡ vay vốn, hỗ trợ với tổng số tiền trên 140 tỷ đồng tỷ đồng. Các cấp Công đoàn đã vận động các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng 285 nhà Mái ấm công đoàn cho CNVCLĐ gặp khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí hơn 8,6  tỷ đồng. LĐLĐ tỉnh đã ký thoat thuận với hợp tác với 13 doanh nghiệp, đối tác về việc cam kết giảm bình quân từ 5-30% so với giá niêm yết khi mua sản phẩm cho đoàn viên công đoàn khi mua sản phẩm của doanh nghiệp…

PV: Được biết, các cấp Công đoàn đã tổ chức khá tốt 6 phong trào thi đua trong CNVCLĐ, xin đồng chí cho biết những điểm nhấn của các phong trào này?

Đ/c Vũ Duy Hoàng: Đại hội XV Công đoàn tỉnh Thái Nguyên đã phát động 6 phong trào thi đua yêu nước, trong trọng tâm là  phong trào: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”; Phong trào thi đua “Phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn” gắn với xây dựng Nông thôn mới và phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trong nữ CNVCLĐ.

Các phong trào thi đua đã thu hút đông đảo sự tham gia và trở thành động lực thúc đẩy đội ngũ đoàn viên, CNVCLĐ phát huy tài năng, trí tuệ, tự giác học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực thi đua lao động sản xuất và công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả, 5 năm qua, có trên 30.000 sáng kiến cải tiến, giải pháp và các đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ; nhiều sáng kiến, giải pháp và các đề tài được áp dụng vào thực tế mang lại giá trị làm lượi trên 219 tỷ đồng; có trên 147 đề tài, sáng kiến cải thiện kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp và phục vụ nông nghiệp, nông thôn được đưa vào áp dụng trong sản xuất. CNVCLĐ đã đóng góp gần 60 tỷ đồng xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa… Hàng năm, có trên 80% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; có trên 92,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký và đạt chuẩn văn hóa…

PV: Thời gian qua trên địa bàn tỉnh không để xảy ra các vụ lãn công, đình công, đồng chí có thể cho biết những kinh nghiệm của  các cấp Công đoàn trong việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, những bức xúc trong CNVCLĐ để định hướng cách giải quyết?

Đ/c Vũ Duy Hoàng: Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh là hướng hoạt động về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn, lấy CNVCLĐ là đối tượng nhưng đồng thời là mục tiêu để tổ chức các hoạt động. Công đoàn chủ động trong việc xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa công đoàn và chính quyền chuyên môn đồng cấp; thực hiện quyền dân chủ của CNVCLĐ thông qua việc tổ chức hội nghị Cán bộ công chức, viên chức trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp. Tăng cường đối thoại giữa chính quyền, công đoàn và người lao động.

Luôn quan tâm, nắm bắt tư tưởng, tâm trạng của công nhân, viên chức lao động để để giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc hoặc nẩy sinh ngay từ cơ sở. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, chế độ chính sách đối với CNVCLĐ. Tăng cường các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên và người lao động. Với những việc làm cụ thể và thiết thực như trên, trong nhiệm kỳ vừa qua LĐLĐ tỉnh đã góp phần hạn chế tối đa những vụ tranh chấp lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh

PV: Từ những kết quả toàn diện, nổi bật trong nhiệm kỳ 2013-2018, Đại hội Công đoàn tỉnh Thái Nguyên, lần thứ XVI đề ra 10 nhóm chỉ tiêu, đồng chí có thể cho độc giả biết những giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

Đ/c Vũ Duy Hoàng: Trong nhiệm kỳ 2018-2023 các cấp công đoàn tỉnh Thái Nguyên tập trung thực hiện ba khâu đột phá: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn; thiết thực chăm lo lợi ích của đoàn viên. Tập trung đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động công đoàn; lấy nhu cầu chính đáng của số đông đoàn viên, người lao động làm cơ sở hoạt động; lấy đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động làm mục tiêu hoạt động, lấy công đoàn cơ sở làm địa bàn chủ yếu. Tập trung các nguồn lực để xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc; quan tâm bồi dưỡng, phát triển đội ngũ công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân, qua đó đóng góp quan trọng, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh chính trị, ổn định và cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.