Bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, thuận tiện và an toàn

16:51, 18/06/2018

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 sẽ diễn ra trong ba ngày: từ 25 đến 27-6, hiện công tác chuẩn bị tại Cụm thi Thái Nguyên do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì đã sẵn sàng đáp ứng cho trên 14,5 nghìn thí sinh bước vào kỳ thi. Xung quanh công tác chuẩn bị và một số vấn đề thực hiện Quy chế thi được đồng chí Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thi THPT Quốc gia năm 2018 Thái Nguyên (Cụm thi số 12) chia sẻ với phóng viên Báo Thái Nguyên.

PV: Là năm thứ hai chủ trì Hội đồng thi Thái Nguyên Kỳ thi THPT Quốc gia, đồng chí cho biết những điểm mới tại Hội đồng thi Thái Nguyên năm nay?

Đồng chí Phạm Việt Đức: Thực tế từ việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đã cho ngành và các địa phương, các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo thi trong toàn tỉnh nhiều kinh nghiệm. Chính vì vậy, khâu chuẩn bị và triển khai các kế hoạch phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, ngành trong tỉnh, Đại học Thái Nguyên, Trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên để tổ chức cho kỳ thi năm nay rất chủ động, chu đáo và kịp thời.

Năm nay theo danh sách đăng ký, toàn tỉnh có 14.504 thí sinh dự thi, tăng  hơn 1.200 thí sinh so với năm trước. Hội đồng thi đã huy động 1.319 cán bộ coi thi, trong đó có 656 giáo viên THPT và 663 cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Lực lượng cán bộ giám sát thi được huy động 160 người, trong đó huy động lực lượng khối THPT là 70, khối đại học và cao đẳng là 90. Về phía tỉnh, Ban chỉ đạo thi đã được kiện toàn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo đã triển khai kế hoạch cụ thể và đồng bộ đến từng ngành, địa phương. Đến thời điểm hiện tại Hội đồng thi THPT Quốc gia Sở GDĐT Thái Nguyên năm 2018 đã sẵn sàng cho kỳ thi được diễn ra đúng kế hoạch. Về phía ngành GD&ĐT đã chuẩn bị 631 phòng thi tại 31 điểm thi trên địa bàn toàn tỉnh và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho khâu in sao đề. Các ngành Điện lực, Y tế, Công an, Quân đội, … đã xây dựng kế hoạch cụ thể với các phương án tối ưu để phục vụ kỳ thi, bảo đảm không có sự cố mất điện, trật tự an toàn giao thông, phục vụ y tế tốt cho cả thí sinh và cán bộ phục vụ kỳ thi nhằm giúp cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Năm nay tại Hội đồng thi Thái Nguyên có 894 thí sinh tự do đăng ký dự thi. Để đảm bảo an ninh trật tự và thuận tiện cho các thí sinh này, Hội đồng thi đã bố trí điểm thi gần nhất nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú hoặc gần các trường mà thí sinh theo học.

PV: Như vậy là thí sinh sẽ không phải di chuyển quá xa đến điểm thi?

Đồng chí Phạm Việt Đức: Mỗi năm Kỳ thi THPT Quốc gia có những cải tiến nhất định, hướng đến giảm bớt phức tạp và phiền hà, tốn kém cho xã hội. Trước đây, đã có năm tỉnh phải bố trí phương tiện đưa thí sinh từ cụm dân cư đến điểm thi (xã Cúc Đường ra điểm thi THPT Võ Nhai). Những năm gần đây đã có thay đổi thuận tiện hơn nhiều: Về cơ bản thí sinh học ở đâu sẽ tham gia thi tại điểm thi ở địa phương đó. Ví dụ như: tại T.P Thái Nguyên, một số thí sinh tự do sẽ tham dự thi tại Trường THPT Dương Tự Minh. Đối với các thí sinh học trường cao đẳng, trung cấp nghề sẽ tham dự thi tại các điểm thi gần nhất (thí sinh học Trường Cao đẳng Việt Đức sẽ tham dự thi tại điểm thi Trường THPT Sông Công; thí sinh học Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên thi tại điểm Trường THPT Lê Hồng Phong - T.XPhổ Yên; thí sinh học Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên thi tại điểm thi Trường THPT Dương Tự Minh; các thí sinh Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Cao đẳng nghề số 1 Bộ Quốc phòng, Trung cấp nghề Thái Nguyên dự thi tại điểm thi Trường THPT Chuyên Thái Nguyên).

PV: Một số điểm mới trong Quy chế thi THPT Quốc gia năm 2018 về việc tổ chức thi, Hội đồng thi đã triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Việt Đức: Theo hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi rõ: Cán bộ coi thi không được coi thi tại điểm có học sinh lớp 12 năm học 2017-2018 của trường mình dự thi; Thí sinh tự do và thí sinh thuộc đối tượng học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên được xếp phòng thi riêng. Những quy định này, Hội đồng thi và trong toàn ngành GD&ĐT đã quán triệt rõ đến từng cán bộ quản lý và cán bộ được huy động phục vụ kỳ thi. Trong quá trình lập danh sách cán bộ coi thi, giám sát các trường đã sàng lọc kỹ và bố trí cử đúng cán bộ theo quy định. Tuy nhiên cũng có những phát sinh, chúng tôi đã điều chỉnh kịp thời. Ví dụ: Khi lập danh sách cán bộ coi thi, con, cháu ruột của họ đang học đại học, hoặc học nghề, nhưng vẫn còn có nguyện vọng thi lấy kết quả xét tuyển vào một trường đại học khác cho năm học 2018-2019, đã tự đi đăng ký, không cho gia đình biết…Nhưng sau khi chốt danh sách mới phát hiện, chúng tôi đã thay người và theo Quy chế là không cho cán bộ đó vào danh sách coi thi.  

PV: Nếu trường hợp xảy ra một số tình huống do sơ xuất về thủ tục, giấy tờ tùy thân của thí sinh được xử lý thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Việt Đức: Thực tế các kỳ thi cũng có các tình huống sơ xuất của thí sinh, mặc dù ít xảy ra và không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến kết quả thi và các quy định khác về an ninh trật tự, Hội đông thi vẫn có thể xem xét tạo điều kiện cho thí sinh dự thi theo đúng Quy chế. Có hai trường hợp có thể giải quyết được là:

Một là, trường hợp mất Giấy báo dự thi: Giấy báo dự thi chỉ có vai trò thông báo cho các thí sinh thông tin về số phòng thi, thời gian thi… Đến ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh sẽ được phát Thẻ dự thi để sử dụng trong suốt những ngày thi. Do đó, nếu mất Giấy báo dự thi, thí sinh vẫn được dự thi bình thường, tuy nhiên phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân trong ngày làm thủ tục dự thi.

Hai là: Trường hợp mất Giấy chứng minh nhân dân: Quy chế thi THPT Quốc gia quy định, trường hợp thí sinh mất Giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ cần thiết khác phải báo ngay cho Trưởng Điểm thi để xem xét, xử lý. Thông thường, để được tiếp tục dự thi, thí sinh phải viết cam đoan, chụp hình tại chỗ, lấy dấu vân tay để tránh trường hợp thi hộ, thi thuê. Nếu đã làm thủ tục xin cấp lại Giấy chứng minh nhân dân mà chưa đến hạn được cấp, thí sinh có thể mang theo giấy hẹn khi làm thủ tục dự thi.

PV: Đồng chí có lời khuyên gì với thí sinh trong kỳ thi năm nay?

Đồng chí Phạm Việt Đức: Thi cử là hoạt động đánh giá quá trình học tập của mỗi cá nhân, vì vậy các thí sinh cần tập trung cao độ để giải quyết các vấn đề mà yêu cầu bài thi đưa ra. Việc đầu tiên là phải chấp hành đúng nội quy, quy chế thi, rồi tiếp đến là nghiêm túc làm bài, trên tinh thần thật thoải mái về tư tưởng (học gì thi đấy, hỏi gì trả lời đấy) và không bỏ bài thi. Một số kỹ thuật mà thí sinh phải lưu ý không sẽ mất điểm, mất quyền lợi:

 - Thứ nhất là không tô số báo danh, tô nhầm dẫn đến số báo danh này trùng nhau, tô số báo danh không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được. Trường hợp xấu nhất là một thí sinh có dự thi tô nhầm thành số báo danh của thí sinh vắng thi.

- Thứ hai là không tô mã đề thi, tô mã đề thi không có hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề thi nào.

- Thứ ba là phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!