Không dễ hoàn thành chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp

09:16, 27/08/2018

Năm 2018, tỉnh ta phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) 645,7 nghìn tỷ đồng, tăng 75 nghìn tỷ đồng so với kết quả thực đạt năm 2017. Tính đến hết tháng 7, chỉ tiêu này mới đạt 51% kế hoạch năm. Trong khi việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) - một trong những đơn vị mang tính quyết định đến việc hoàn thành kế hoạch của tỉnh hiện gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm thì liệu chỉ tiêu này năm nay của tỉnh có hoàn thành kế hoạch? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương.

PV: Trước hết, xin ông cho biết kết quả hoạt động SXCN của tỉnh những tháng đầu năm? Có gì thuận lợi, khó khăn thưa ông?

Ông Nguyễn Ngô Quyết: 7 tháng đầu năm nay, tình hình SXCN trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được đà tăng trưởng và phát triển, mặc dù ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng chậm lại (tháng 7 giảm 20% so với tháng 6), với giá trị sản xuất ước đạt hơn 330 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ năm 2017, bằng 51% kế hoạch năm.

Kết quả trên có được là nhờ nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, thị trường, mặt bằng lãi suất ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp… Trên địa bàn tỉnh, hình thành kết cấu hạ tầng khá đồng bộ cho phát triển kinh tế. Công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), hỗ trợ doanh nghiệp (DN) được đặc biệt quan tâm; bước đầu việc đào tạo nhân lực trên địa bàn tỉnh đã được đổi mới, đáp ứng yêu cầu từ phía DN. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những khó khăn như: Tình hình phục hồi của nền kinh tế thế giới, khu vực và cả nước còn chậm; quá trình hội nhập nhanh khiến DN còn bị động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; việc sắp xếp lại bộ máy quản lý nhà nước cũng như công tác CCTCHC khiến hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương còn chưa kịp thời và đồng bộ; các DN công nghiệp Trung ương trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều chuyển biến tích cực; nguồn vốn dành cho phát triển công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp địa phương) còn hạn chế.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp những tháng còn lại của năm? Giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch là gì?

Ông Nguyễn Ngô Quyết: Kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm cho thấy không dễ để hoàn thành kế hoạch giá trị SXCN năm 2018. Bởi trong 7 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng chỉ đạt khoảng 47,1 nghìn tỷ đồng thì 5 tháng còn lại, mỗi tháng, giá trị này phải đạt khoảng 63,1 nghìn tỷ đồng, mặc dù giá trị SXCN những tháng cuối năm thường đạt cao hơn những tháng đầu năm.

Sở dĩ, giá trị SXCN những tháng đầu năm của tỉnh đạt được không cao chủ yếu do tình hình sản xuất của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 99% trong tổng giá trị SXCN trên địa bàn) đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể là nhóm sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng của SEVT trong 7 tháng đầu năm 2018 giảm trên 20% so với bình quân các tháng trước vì Công ty này thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh. Trước thực tế này, để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giá trị SXCN năm 2018, Ngành sẽ tập trung vào một số giải pháp như: tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh cân đối vốn tạo quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư;  kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về các lĩnh vực có liên quan nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN…

PV: Mặc dù, giá trị SXCN của tỉnh những năm gần đây đã nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước nhưng chiếm tới trên 90% thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là công nghiệp Trung ương và địa phương. Vậy giải pháp nào để công nghiệp địa phương phát triển hơn nữa trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Ngô Quyết: Giá trị SXCN (theo giá so sánh 2010) năm 2017 đạt 571,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, công nghiệp Trung ương chiếm 3%; công nghiệp địa phương chiếm 4%; còn lại 93% là công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thực tế, giai đoạn 2011-2015, giá trị SXCN Trung ương và địa phương tăng trưởng lần lượt là 3,5%/năm và 12,2%/năm (riêng giai đoạn 2016-2017, tăng trưởng lần lượt là 10%/năm và 16,6%/năm). Điều này chứng tỏ việc phát triển công nghiệp trên địa bàn đã bước đầu đạt được theo đúng quan điểm tại Quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh dành cho phát triển công nghiệp còn hạn chế (đặc biệt là công nghiệp địa phương) đã ảnh hưởng đến việc phát triển toàn diện theo quan điểm đề ra. Để khắc phục những hạn chế đó, ngoài những giải pháp chung, ngành Công Thương đã và tiếp tục tham mưu đề xuất với UBND tỉnh: Vận dụng linh hoạt nhất các cơ chế, chính sách ưu tiên nguồn lực của tỉnh cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là cho ứng vốn giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch trong cụm công nghiệp (CCN) khoảng 100 tỷ đồng/năm, để thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp địa phương, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất; sớm cho chủ trương triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; sớm ban hành quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư, phát triển CCN của tỉnh; kiến nghị với Chính phủ giải quyết dứt điểm dự án giai đoạn 2 Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên; bố trí kịp thời, đúng tiến độ nguồn vốn từ Trung ương cho các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh.

PV: Ông có nhận định như thế nào về tình hình SXCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Ngô Quyết: Từ tình hình SXCN trên địa bàn những tháng đầu năm 2018, có thể dự báo sức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của Thái Nguyên sẽ tiếp tục được phục hồi và tăng trưởng (nhưng tốc độ tăng sẽ chậm lại) vì nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhiều khả năng bị giảm tốc độ do tăng trưởng của SEVT thay đổi phương án sản xuất và các ưu đãi về miễn, giảm thuế cho đơn vị này đã giảm. Mặt khác, giá trị SXCN của tỉnh hiện rất lớn nên việc tăng trưởng 1% giờ tương ứng với khoảng 23% tổng giá trị SXCN năm 2010. Tuy nhiên, giá trị SXCN địa phương sẽ tăng đột biến trong năm 2019 (khoảng 4.000 tỷ đồng) do chuyển từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài của Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo - Công ty con của Masan Resources đã mua lại cổ phẩn của Công ty TNHH tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck.

Do dó, dự báo kế hoạch giá trị SXCN trên địa bàn tỉnh năm 2019 đạt khoảng 700,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với ước thực hiện năm 2018. Trong đó, công nghiệp Trung ương ước đạt 19,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2%; công nghiệp địa phương ước đạt 28 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 653,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2%. Nếu không có gì đột biến thì năm 2020 dự ước giá trị SXCN của tỉnh đạt 756,6 nghìn tỷ đồng và cả giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng 15%/năm (đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra).