Liên kết chuỗi để phát triển ngành chè

17:33, 30/09/2018

Thái Nguyên có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển ngành công nghiệp chế biến chè. Tuy nhiên, tốc độ phát triển ngành chè trên địa bàn hiện nay chưa tương xứng với vị thế của một tỉnh đứng thứ hai cả nước về diện tích, sản lượng chè. Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên xung quanh chủ đề này, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần (CP) Chè Hà Thái đã chia sẻ một số ý kiến góp phần thúc đẩy ngành chè của tỉnh phát triển.

P.V: Trên các diễn đàn, khi nói về định hướng phát triển cây chè bà thường lấy ví dụ cụ thể mục tiêu của doanh nghiệp (DN) mình để minh họa. Phải chăng đó là điều bà muốn chia sẻ với các DN hoạt động cùng lĩnh vực?

Bà Nguyễn Thị Hiền: Là DN có bề dày về sản xuất, tiêu thụ chè đặc sản của tỉnh, chúng tôi luôn theo đuổi hai mục tiêu lớn: Thứ nhất, tiếp tục mở rộng vùng chè nguyên liệu an toàn, thực hiện các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ... để cung ứng ra thị trường sản phẩm trà tốt nhất, an toàn nhất. Thứ hai, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thành một vòng khép kín nhằm tạo dựng môi trường sản xuất, kinh doanh bền vững. Đây là mục tiêu mà DN ngành chè cần hướng tới nếu muốn phát triển bền vững.

P.V: Có thể nói mục tiêu mà DN của bà đề ra là khá phù hợp với sự phát triển của ngành chè hiện nay, nhưng chắc chắn việc thực hiện nó không hề đơn giản, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hiền: Thực tế thì chúng tôi đã gặp không ít khó khăn trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu đó. Để sản xuất được một lượng lớn chè an toàn, chất lượng cao, DN rất cần có vùng nguyên liệu riêng. Hiện tại không phải DN làm chè nào cũng làm được điều này, nếu có thì diện tích cũng rất ít. DN của chúng tôi dù đã cố gắng nhiều nhưng cũng mới sở hữu 50ha chè nên khó chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo yêu cầu nhằm giữ uy tín với khách hàng. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, DN đã liên kết với một số hộ trồng chè. Tuy nhiên, có một thực tế là, khi khó khăn người nông dân cấp nguyên liệu cho DN, khi được giá lại bán ra bên ngoài. Và khi DN tạo dựng được uy tín, chất lượng gắn với vùng chè nguyên liệu thì bà con lại sợ mất thương hiệu của mình nên đã gây khó dễ cho DN. Mặt khác, việc kiểm soát chất lượng chè từ nguyên liệu đến các khâu chế biến, đóng gói, dán nhãn, bán hàng… chưa có sự thống nhất chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn nên DN làm thật lại chịu thiệt thòi.

P.V: Vậy, theo bà cần làm gì để có thể thúc đẩy phát triển ngành chè của tỉnh?

Bà Nguyễn Thị Hiền: Chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến các DN dám mạnh dạn đầu tư phát triển cây chè theo hình thức liên kết, giúp DN xây dựng được vùng nguyên liệu chè đảm bảo an toàn. Từ đó, DN có trách nhiệm đầu tư và kiểm soát đầu vào, kỹ thuật canh tác, còn nông dân nghiêm túc thực hiện quy trình kỹ thuật nâng cao chất lượng nguyên liệu. Cần chuyên môn hóa bộ máy quản lý giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông để xây dựng và phát triển thành công chuỗi giá trị sản phẩm chè. Để sản phẩm trà đảm bảo chất lượng đồng bộ, tạo uy tín lâu dài với khách hàng và người tiêu dùng, rất cần các cơ quan chức năng tăng cường quản lý chất lượng vật tư đầu vào, quản lý thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu chè Thái Nguyên. Tạo điều kiện tốt nhất để các DN ngành chè có cơ hội tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để quảng bá hình ảnh, đưa sản phẩm trà đặc sản của tỉnh đến với thế giới.

P.V: DN do bà đứng chủ đã có những động thái gì để thúc đẩy hoạt động liên kết trong phát triển ngành chè của tỉnh?

Bà Nguyễn Thị Hiền: Chúng tôi đã và đang liên kết với một số đơn vị, DN có uy tín như: HTX chè Tân Hương, DN Tuấn Thoi, xã Phú Xuyên và bà con nông dân xã La Bằng (Đại Từ) để sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè an toàn. Chất lượng chè của chúng tôi được đảm bảo theo quy trình VietGAP, quy trình UTZ và tiến tới quy trình Oganic. Thời gian qua, do liên kết sản xuất đảm bảo, cộng với sự nỗ lực cho ra các dòng sản phẩm cao cấp, DN đã gặt hái được một số thành quả, trong đó đáng chú ý nhất là năm 2016 DN đưa sản phẩm trà đi tham dự cuộc thi Trà vàng Bắc Mỹ - Canada và đã đoạt giải Bạc về chất lượng sản phẩm.

P.V: Bà có cho rằng, cùng với gia tăng mô hình liên kết chuỗi rất cần hình thức đầu tư sản xuất, kinh doanh chè theo hướng gắn với du lịch?

Bà Nguyễn Thị Hiền: Ngoài sản xuất chè đặc sản, an toàn, chúng tôi đang hướng đến mô hình làm chè gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đây không phải là ý tưởng mới vì đã có một số gia đình làm chè ở tỉnh mình đã làm. Tuy nhiên, các mô hình đó mới chỉ là hoạt động tự phát, nhỏ lẻ, thiếu quy củ. Chúng tôi muốn gắn kết để tạo thành điểm du lịch trải nghiệm với quy mô hàng trăm hécta chè được trồng theo tiêu chuẩn an toàn, xanh, sạch, đẹp. Nhưng để làm được điều đó đòi hỏi phải có quy hoạch đảm bảo, thống nhất cách làm từ chính quyền, doanh nghiệp đến người nông dân. Tại vùng chè La Bằng, Công ty đã bước đầu thử nghiệm hình thức du lịch trải nghiệm với 50ha chè và đã cho kết quả rất tốt, vì thế mô hình này cần được nhân rộng.

P.V: Xin cảm ơn bà!