Thắt chặt quản lý hoạt động công chứng

16:38, 03/10/2018

Việc xã hội hóa hoạt động công chứng đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhất là từng bước luật hóa giao dịch dân sự của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc có nhiều tổ chức tham gia hoạt động công chứng cũng nảy sinh những bất cập cần kịp thời khắc phục. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về tình hình hoạt động công chứng trên địa bàn, phóng viên Báo Thái Nguyên đã trao đổi với đồng chí Vũ Thị Lệ Hằng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp về vấn đề này…

P.V: Xin đồng chí cho biết về tình hình hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Vũ Thị lệ Hằng: Hiện nay, toàn tỉnh có 12 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 2 phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp, 10 văn phòng công chứng với tổng số 26 công chứng viên. Tính từ năm 2015 đến 2017, toàn tỉnh đã thực hiện công chứng 102.129 việc, tổng số phí thu được là trên 27,6 tỷ đồng. Năm 2017, số lượng việc và mức phí thu được tăng hơn 40% so với năm 2015, thu nộp ngân sách đạt trên 6 tỷ đồng. Trong đó, riêng 2 phòng công chứng thực hiện 33.228 việc, số phí thu được đạt trên 9 tỷ đồng (chiếm khoảng 30% tổng số việc và số phí), nộp ngân sách nhà nước trên 4 tỷ đồng.

Hoạt động công chứng trong thời gian qua của các văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh đã khẳng định rõ vai trò, chức năng xã hội của nghề công chứng là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện, nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh.

P.V: Đồng chí có thể cho biết kết qủa của các đợt kiểm tra chuyên môn trong hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Đồng chí Vũ Thị Lệ Hằng:  Qua kiểm tra cho thấy, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện tốt Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành, như tại trụ sở làm việc có biển hiệu và niêm yết công khai quy định của pháp luật về lịch làm việc thủ tục công chứng, phí công chứng, mức trần thù lao công chứng, nội quy tiếp người yêu cầu công chứng...

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn còn chưa thống nhất dẫn đến khó áp dụng trong quá trình tổ chức thực hiện; việc xác định thành viên hộ gia đình, thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, giao dịch bảo đảm, giấy tờ hộ tịch sử dụng trong hoạt động công chứng,… còn nhiều vướng mắc, chưa có hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho công chứng viên khi hành nghề. Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu công chứng dùng chung cho toàn tỉnh chưa được xây dựng. Các tổ chức hành nghề công chứng chưa cập nhật được những thông tin cần thiết, nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động hành nghề công chứng. Sổ công chứng hợp đồng giao dịch vẫn còn sử dụng màu mực không đúng quy định (màu đen), còn viết nhiều màu mực trên sổ. Phiếu yêu cầu công chứng không ghi tên người tiếp nhận, ngày tháng năm tiếp nhận, còn có trường hợp công chứng viên đã thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật nhưng chưa đúng theo quy định, một số hồ sơ tại trang lời chứng của công chứng viên chưa đúng mẫu theo quy định tại Thông tư số 06/2015/TT-BTP…

P.V: Những bất cập, hạn chế nêu trên sẽ được khắc phục như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Thị Lệ Hằng: Để khắc phục những điểm còn bất cập, hạn chế nêu trên chúng tôi đề xuất với Bộ Tư pháp các giải pháp nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của đội ngũ công chứng viên; có kế hoạch đào tạo, tạo nguồn công chứng viên hợp lý; phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu đề nghị sửa đổi một số nội dung còn bất cập, chồng chéo trong các văn bản. Sở Tư pháp chỉ đạo và phát huy vai trò của Hội công chứng viên trong việc đoàn kết tập hợp đội ngũ công chứng viên trong toàn tỉnh, vừa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công chứng viên, vừa kịp thời theo dõi, uốn nắn những biểu hiện, những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật trong hành nghề công chứng. Tích cực phát huy công tác hợp tác về công chứng. Tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho văn phòng công chứng trong việc thay đổi loại hình hoạt động, thúc đẩy phát triển các văn phòng công chứng quy mô lớn, hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả.

Đồng thời, Sở Tư pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020, bảo đảm phát triển các tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp và phân bổ hợp lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức. Cùng với đó, Sở Tư pháp tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, đạo đức hành nghề công chứng để xây dựng đội ngũ công chứng viên đủ về số lượng, tinh thông về nghiệp vụ, góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính và bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, thương mại của người dân, tổ chức trên địa bàn. Việc thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng sẽ được tăng cường để hướng dẫn định hướng các công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Luật Công chứng và văn bản hướng dẫn thi hành để phát triển lành mạnh các hoạt động công chứng; xử lý nghiêm những đơn vị hoạt động công chứng vi phạm nghiệm vụ chuyên môn mang tính chủ quan.

Đặc biệt, Sở Tư pháp sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về công chứng trên địa bàn, tạo nền tảng kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu công chứng giữa các tổ chức hành nghề công chứng và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các cơ quan hữu quan để khắc phục rủi ro trong hoạt động hành nghề của công chứng viên.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!