Dịp cuối năm, hoạt động kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm diễn ra sôi động. Thêm vào đó, cuối năm cũng là thời điểm nhiệt độ xuống thấp, sức đề kháng của động vật giảm, rất dễ mắc các loại dịch bệnh như lở mồm long móng trên đàn lợn, bệnh cúm trên đàn gia cầm... Trước thực trạng trên, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho động vật. Để nắm rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y.
PV: Thưa ông, thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Còn tại tỉnh ta, hiện nay tình hình dịch bệnh như thế nào?
Ông Lê Đắc Vinh: Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại một số địa phương trong cả nước đang có diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng vào các tháng cuối năm, nhất là dịch LMLM trên đàn lợn. Tại tỉnh ta cũng đã phát hiện lợn mắc bệnh LMLM của một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, cán bộ thú y đã kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương và người dân làm tốt công tác khống chế dịch bệnh, tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm bệnh và phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại của các hộ chăn nuôi. Vì vậy, hiện nay, tình hình dịch bệnh LMLM trên địa bàn cơ bản ổn định, chưa phát sinh thêm ổ dịch mới. Tuy nhiên, đàn lợn thịt trong hộ chăn nuôi của tỉnh (gần 580.000 con) hiện chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM. Do vậy, nguy cơ lây lan, tái bùng phát dịch LMLM trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao.
PV: Trước thực trạng trên, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã triển khai các biện pháp gì để tập trung xử lý, tránh lây lan thành dịch thưa ông?
Ông Lê Đắc Vinh: Tại các địa phương có lợn mắc bệnh LMLM, Chi cục khuyến cáo chính quyền địa phương cần phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, phát hiện gia súc mắc bệnh LMLM, thực hiện xử lý ổ dịch kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan ra diện rộng. Cùng với việc tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh theo quy định, chúng tôi còn hướng dẫn hộ chăn nuôi tiêu hủy thu gom phân, rác, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc; sử dụng vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh tại khu vực chăn nuôi, cổng ra vào. Đặc biệt, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi khi phát hiện gia súc có dấu hiệu của bệnh LMLM cần khai báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để kiểm tra, lấy mẫu gửi chẩn đoán xác định type gây bệnh để chỉ đạo các biện pháp tiêm phòng, biện pháp chống dịch phù hợp, có hiệu quả. Ngoài ra, các địa phương cần triển khai tiêm phòng vắc xin LMLM gia súc bao vây ổ dịch theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Tổ chức ký cam kết đối với các hộ chăn nuôi, không dấu dịch; không mua bán gia súc mắc bệnh, sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rông, không tự ý vận chuyển gia súc mắc bệnh LMLM ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh LMLM bừa bãi.
Cùng với đó, Chi cục cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp - PTNT ban hành văn bản chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, xã tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời hiệu quả; nghiêm cấm hiện tượng dấu dịch, để dịch lây lan ra diện rộng; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tình hình dịch, tính chất nguy hiểm của dịch LMLM gia súc và các biện pháp phòng, để người chăn nuôi nắm bắt và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
PV: Hiện đang là thời điểm bà con tập trung chăm sóc đàn vật nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2019, các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm cũng diễn ra rất sôi động. Vậy công tác kiểm soát, kiểm dịch vận chuyển động vật được Chi cục thực hiện thế nào, thưa ông?
Ông Lê Đắc Vinh: Chúng tôi đã thông tin, truyên truyền kịp thời về tình hình dịch bệnh, tính chất nguy hiểm của dịch LMLM gia súc và các biện pháp phòng, để người chăn nuôi nắm bắt và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, giết mổ; vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại các hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại, công ty chăn nuôi theo đúng quy định; phối hợp tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn.
PV: Ông có những khuyến cáo gì với các hộ chăn nuôi, kinh doanh vận chuyển gia súc, gia cầm ?
Ông Lê Đắc Vinh: Cuối năm, nhiệt độ xuống thấp, sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm nên bà con cần tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi, thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y; thường xuyên vệ sinh, sử dụng vôi bột, hóa chất thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi. Ngoài ra, bà con cần thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhằm phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh báo cáo cho cơ quan thú y kiểm tra xử lý kịp thời, nghiêm cấm việc dấu dịch, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh.
Đối với các hộ kinh doanh, buôn bán gia súc, gia cầm cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nghiêm cấm việc thu gom, thu mua, vận chuyển động vật mắc bệnh; nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh.
Đối với người tiêu dùng, nên mua thịt gia súc, gia cầm đã qua kiểm dịch, không tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
PV: Xin cảm ơn ông!