Gắn trách nhiệm người dân với bảo vệ rừng đặc dụng

09:16, 20/05/2019

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Quốc Thụ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng khẳng định: Do rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng có địa hình phức tạp, núi đá vôi hiểm trở, nên công tác bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn, cần trách nhiệm của cả cộng đồng. Do đó, giải pháp hiệu quả và bền vững chính là giao khoán rừng cho người dân sở tại.

P.V: Ông có thể cho biết những nét đặc trưng của hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng?

Ông Phan Quốc Thụ: Hiện nay, Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Thần Sa - Phượng Hoàng được giao quản lý, bảo vệ trên 52 nghìn ha rừng thuộc các xã Thần Sa, Thượng Nung, Sảng Mộc, Nghinh Tường, Vũ Chấn, Cúc Đường, Phú Thượng và thị trấn Đình Cả (Võ Nhai), trong đó có hơn 17 nghìn ha rừng đặc dụng. Với độ cao trung bình khoảng 700m, khu vực này có hệ sinh thái rừng núi đá độc đáo, tính đa dạng sinh học phong phú, nhiều nguồn gen quý, là nơi cư trú của không ít loài động, thực vật. Thống kê cho thấy, KBTTN có tổng số 1.096 loài thực vật thuộc 160 họ, trong đó, cây cho gỗ là 319 loài, dược liệu 574 loài, làm cảnh 84 loài, cây ăn quả 162 loài. Ngoài ra, còn có một số loài cây cần được bảo vệ nguồn gen cùng nhiều loại gỗ quý, hiếm khác. Đây được xem là mẫu rừng đặc trưng cho hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi của Thái Nguyên.

P.V: Với hệ sinh thái đặc biệt như vậy, chắc chắn công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây được Ban quản lý KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thưa ông?

Ông Phan Quốc Thụ: Đúng vậy, bởi nơi đây có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi đá hiểm trở, đời sống nhân dân trong vùng còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng nên những tác động tiêu cực của một số người dân địa phương và các xã lân cận đang gây tổn hại đến sự sinh trưởng, phát triển rừng. Đó là những mối đe dọa không ngừng gia tăng làm cho nguy cơ mất đi một trong những hệ sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học là rất cao. Trong khi đó, khả năng phục hồi thành rừng trên núi đá là rất khó khăn và lâu dài.

P.V: Những năm qua, Ban quản lý KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng đã thực hiện giải pháp chủ yếu nào để bảo vệ rừng đặc dụng, nhất là khi lực lượng của đơn vị còn mỏng, địa hình phức tạp?

Ông Phan Quốc Thụ: Để công tác quản lý đạt hiệu quả cao nhất, ngoài trách nhiệm bảo vệ của lực lượng chức năng, chính quyền sở tại, còn rất cần sự chung tay, góp sức, cộng đồng trách nhiệm của người dân. Nhiều năm qua, chúng tôi thực hiện cơ chế giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng cho người dân địa phương. Với hơn 6.000 hộ dân sinh sống tại vùng lõi và vùng đệm của rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng, nên việc giao khoán cũng có nhiều thuận lợi. Việc giao khoán giúp người dân nhận thức được rằng, bảo vệ rừng không chỉ nâng cao độ che phủ, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, giảm thiểu tình trạng chặt phá rừng bừa bãi mà còn tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho chính họ.

P.V: Kết quả của việc giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn những năm qua và trong năm 2019 ra sao, thưa ông?

Ông Phan Quốc Thụ: Thực tế cho thấy, sau quá trình khoán bảo vệ cho người dân, độ che phủ rừng trong Khu bảo tồn được nâng lên rõ rệt, nhiều nguồn gen được duy trì ổn định, bền vững. Các loài cây quý hiếm như nghiến, lý, sến... được mọc tái sinh khá nhiều, một số loài động vật như khỉ, cắng, cầy hương... đã xuất hiện trở lại. Mặt khác, từ lợi ích thu được thông qua nhận khoán bảo vệ rừng, người dân có thêm nguồn kinh phí để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh như điện, đường, trường, trạm, nước sạch...

Năm 2019, ngay từ những tháng đầu, Ban đã triển khai quy định của Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng và hướng dẫn của Bộ Tài Chính về quản lý và sử dụng kinh phí để phát triển lâm nghiệp bền vững đến UBND các xã trong khu bảo tồn. Tiếp đó, Ban đã tổ chức hội nghị với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cán bộ lâm nghiệp các xã để thống nhất lựa chọn số thôn, bản đủ điều kiện, tiêu chí để hỗ trợ theo quy định. Theo đó, đã lựa chọn 6 xã phía Bắc của huyện, mỗi xã lựa chọn 2 thôn, bản để triển khai hỗ trợ.

Với diện tích giao khoán chuyển tiếp từ năm 2018, Ban đã cho ký hợp đồng với 39 hộ gia đình và 33 cộng đồng dân cư thôn, bản nằm trên địa bàn 7 xã trong khu bảo tồn, với tổng diện tích trên 11 nghìn ha (đơn giá tiền nhận công khoán cho nhân dân là 400 nghìn đồng/ha/năm). Ban cũng hoàn thành việc thiết kế mới cho trên 3ha rừng, đồng thời hoàn thiện hồ sơ để trình cấp thẩm quyền phê duyệt...

P.V: Xin cảm ơn ông!