Hiện nay, tỉnh ta đang triển khai các bước hoàn thiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vậy nội dung cơ bản của Chương trình OCOP là gì và những nhóm hàng, ngành hàng nào sẽ là chủ lực trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP của tỉnh? Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ông PHẠM VĂN SỸ, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh để làm rõ thêm về vấn đề này.
P.V: Trước hết, ông có thể giải thích về OCOP và mục tiêu chung của Chương trình này hướng đến là gì?
Ông Phạm Văn Sỹ: OCOP là từ viết tắt của cụm từ tiếng anh “One commune one product” dịch ra tiếng việt là “Mỗi xã một sản phẩm”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, chúng ta không hiểu theo nghĩa là mỗi xã, phường, thị trấn chỉ có duy nhất một sản phẩm mà có thể có nhiều sản phẩm, hoặc cộng đồng dân cư, liên xã, phường, thị trấn, liên huyện sản xuất một hoặc nhiều sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ), mang tính khác biện và lợi thế của vùng miền.
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ người dân các khâu như: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đảm bảo NTM phát triển bền vững. Đặc biệt, Nhà nước không áp đặt mà dựa trên ý tưởng của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động lựa chọn và đề xuất các sản phẩm có lợi thế để tham gia Chương trình.
Mục tiêu chung của Chương trình OCOP nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo của người dân trong khu vực nông thôn; tăng cường hoạt động liên kết sản xuất, gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản và dịch vụ du lịch nông thôn, tăng thu nhập của người dân nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
P.V: Đối với tỉnh ta, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP gặp những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
Ông Phạm Văn Sỹ: Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh được nâng lên rõ rệt, kết cấu hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Lĩnh vực nông nghiệp đã có những bước phát triển tích cực như: Hình thức tổ chức sản xuất đa dạng; hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp được các cấp chính quyền quan tâm; bước đầu hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo hướng sản xuất hữu cơ, an toàn với một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường như: trà các loại, gạo, miến dong, bánh chưng....
Bên cạnh đó, chủng loại sản phẩm đa dạng, số lượng sản phẩm có xu hướng ngày càng tăng và đảm bảo hơn về chất lượng. Các sản phẩm chế biến chủ yếu sử dụng nguyên liệu của địa phương, gắn với truyền thống, bản sắc văn hóa của các vùng miền và các dân tộc. Nhiều loại sản phẩm đặc trưng của địa phương có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP. Mặt khác, tỉnh ta có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử mang đặc trưng vùng trung du và miền núi cùng với các loại hình văn hóa đặc sắc là lợi thế để phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch. Đó là những thuận lợi cơ bản trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.
Còn về khó khăn, mặc dù OCOP không phải là Chương trình mới và đã được triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước nhưng nhận thức của một số ngành, đơn vị và người dân, doanh nghiệp về sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP còn hạn chế. Bà con mới chỉ tập trung sản xuất sản phẩm nguyên liệu chứ chưa chú trọng đến việc chế biến, bảo quản, xây dựng nhãn mác, thương hiệu, quảng bá sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, chất lượng nhiều loại sản phẩm chưa cao, không đồng đều, chưa được tiêu chuẩn hóa; mẫu mã bao bì, kiểu dáng còn sơ sài, thiếu tính thương mại; số lượng sản phẩm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu còn ít.
Ngoài ra, hiện nay, bà con nông dân vẫn sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún và mạnh ai nấy làm chứ chưa có sự liên kết trong sản xuất. Mặt khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn hạn hẹp, chưa khai thác tốt thị trường trong nước và xuất khẩu, chưa gắn kết được sản phẩm du lịch với sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ.
P.V: Tỉnh ta xác định những nhóm hàng, ngành hàng nào sẽ là chủ lực trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP, thưa ông?
Ông Phạm Văn Sỹ: Dựa trên tiềm năng và thế mạnh hiện có, tỉnh ta dự kiến phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP theo 5 nhóm, gồm: Nhóm thực phẩm, với sản phẩm như nông sản tươi sống và nông sản chế biến từ rau, quả, thịt, gạo và ngũ cốc. Nhóm đồ uống: Gồm đồ uống có cồn và đồ uống không cồn. Nhóm thảo dược: Gồm các sản phẩm có thành phần cây dược liệu. Nhóm đồ lưu niệm - nội thất - trang trí: Gồm các sản phẩm từ gỗ, đồ nội thất, sinh vật cảnh… và nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng: Gồm các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu.
P.V: Vậy, giải pháp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian tới là gì thưa ông?
Ông Phạm Văn Sỹ: Để góp phần quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, trong thời gian tới, tỉnh sẽ hỗ trợ hình thành hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (biển quảng cáo, kệ, tủ trưng bày, bảo quản...) tại các khu du lịch, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, trung tâm hành chính cấp huyện và xã. Cùng với đó, đẩy mạnh việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: Xây dựng video clip, website, sàn giao dịch điện tử; tin bài quảng bá cho các sản phẩm có thứ hạng sao cao (từ 3-5 sao); phát sóng trên truyền hình hoặc báo, tạp chí của tỉnh và Trung ương.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch gắn kết chặt chẽ trong các chuỗi sản phẩm OCOP là giải pháp để tiêu thụ và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm. Đồng thời, tổ chức sự kiện quảng bá sản phẩm gắn liền với phát triển du lịch, hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP cấp huyện, tỉnh, quốc gia. Thông qua đó, tiếp tục khai thác thị trường truyền thống của Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng đối với sản phẩm thế mạnh của tỉnh xuất ra thị trường nước ngoài và tìm kiếm cơ hội liên kết hợp tác, xúc tiến thu hút đầu tư vào Thái Nguyên.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thương mại hàng nông, lâm, thủy sản tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2020; Chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2015-2020... Đối với Dự án xây dựng Trung tâm chuyển giao kỹ thuật và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao Thái Nguyên (đã được UBND phê duyệt tại Quyết định số 2917/QĐ-UBND ngày 31/10/2016), đề nghị UBND tỉnh bổ sung thêm chức năng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh…
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!