Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15-11 đến 15-12 hằng năm. Chương trình năm nay có chủ đề: “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, với mục tiêu đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh về vai trò, hoạt động của Hội xung quanh vấn đề này.
P.V: Xin bà cho biết vai trò của Hội LHPN đối với việc thúc đẩy công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Với chức năng, nhiệm vụ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, những năm qua, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền về công tác cán bộ nữ, giới thiệu cán bộ nữ tham gia giữ chức vụ lãnh đạo các cấp… Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua, cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội gắn với mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ. Cùng với đó, Hội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng cho phụ nữ nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
P.V: Trên thực tế, việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ ở tỉnh ta vẫn chưa hết thách thức. Quan điểm của bà như thế nào về nhận định này?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Điều này đúng ở một số khía cạnh. Cụ thể như: Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở sở, ban, ngành đoàn thể và địa phương còn ít về số lượng; định kiến giới còn tồn tại trong gia đình và xã hội; các giải pháp hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững thiếu đồng bộ; một số chị em có tâm lý an phận, không dám lên tiếng khi bị bạo lực, xâm hại hay bảo vệ quyền lợi của mình...
P.V: Vậy cần làm gì để từng bước xóa bỏ điều này, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Để từng bước xóa bỏ điều này, cần có những giải pháp đồng bộ. Đó là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền đối với công tác bình đẳng giới; tiếp tục truyền thông về giới, bình đẳng giới; lồng ghép công tác bình đẳng giới và các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ vào hoạch định chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Một mặt, mỗi người phụ nữ cần tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại. Mặt khác, các thành viên trong gia đình và xã hội cần tạo điều kiện để phụ nữ có thời gian học tập, lao động, có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe để vừa thực hiện tốt vai trò trong gia đình vừa đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội.
P.V: Mặc dù phụ nữ ngày càng khẳng định được vị trí, song thực tế bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn. Hội LHPN tỉnh có những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn, đó là một thực tế. Dẫn chứng là: Trong giai đoạn 2006 tới nay, Hội LHPN tỉnh tiếp nhận và tư vấn gần 20 ca; các địa chỉ tin cậy tiếp nhận và xử lý 624 ca tư vấn bạo lực gia đình. Về trẻ em, từ năm 2015 tới nay có 15 trường hợp bị xâm hại, chủ yếu là xâm hại tình dục. Tất nhiên, việc thống kê là chưa đầy đủ, nên mức độ nghiêm trọng có thể còn cao hơn. Để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, Hội Phụ nữ các cấp đã xây dựng và duy trì hơn 1.200 mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng, mô hình phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Hội LHPN tỉnh duy trì hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, Phòng Tham vấn cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới. Các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ quyền lợi của trẻ em được tăng cường. Với trường hợp trẻ bị xâm hại, các cấp Hội đã thăm hỏi, động viên, tư vấn pháp luật cho gia đình nạn nhân để giải quyết theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền có biện pháp can thiệp bảo đảm an toàn cho nạn nhân.
P.V: Chủ đề năm nay là “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai những hoạt động trọng tâm nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Năm 2019, Hội LHPN Việt Nam lựa chọn chủ đề hoạt động là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Với Thái Nguyên, Hội đã triển khai nhiều hoạt động như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng; tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về các quy định pháp luật và cách tự bảo vệ; triển khai Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027" và Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Đặc biệt, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục xây dựng mô hình bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em như: "Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội từ trong gia đình và phòng, chống xâm hại trẻ em”, “Cha mẹ chăm sóc và hỗ trợ trẻ thơ phát triển toàn diện”; thành lập tổ công tác “Giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”...
P.V: Xin trân trọng cảm ơn bà!