Bí quyết giúp sản phẩm chè giành giải vàng quốc tế

10:48, 16/12/2019

Cách đây 3 năm, tại Cuộc thi Chè quốc tế do Hiệp hội Chè Hoa Kỳ tổ chức tại Canada, sản phẩm Tôm nõn của Công ty cổ phần (CP) Chè Hà Thái (xã Hà Thượng, huyện Đại Từ) đã xuất sắc vượt qua hàng chục sản phẩm chè tiêu biểu của nhiều quốc gia và giành giải Bạc. Năm nay, cũng tại Cuộc thi này, sản phẩm trà xanh của Công ty đã giành được giải Vàng. Kết quả này tiếp tục mở ra cơ hội mới cho chè Việt Nam nói chung, chè Thái Nguyên nói riêng. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hiền - Nghệ nhân quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Chè Hà Thái để hiểu rõ hơn về giải thưởng cũng như định hướng phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới. 

P.V: Trước hết, xin được chúc mừng bà sau bao nỗ lực, tâm huyết đã có thêm sản phẩm được tổ chức có uy tín của Hoa Kỳ trao giải thưởng cao nhất. Bà có thể giới thiệu khái quát đôi nét về Cuộc thi này?

Bà Nguyễn Thị Hiền: Tôi rất vui và tự hào khi cả 2 lần “mang chuông đi đánh xứ người”, trà Hà Thái đều giành được giải cao. Đây là nguồn động viên rất lớn giúp tôi có thêm động lực để theo đuổi ước mơ của mình đối với cây chè. Cuộc thi Trà vàng tại Bắc Mỹ do Hiệp hội chè Mỹ và Canada tổ chức, với sự tham gia của các công ty sản xuất, xuất khẩu chè đến từ nhiều quốc gia như: Argentina, Ấn Độ, Nhật Bản, Kenya, Malawi, Ruwanda, Việt Nam... Cuộc thi nhằm tìm ra và tôn vinh những sản phẩm trà tinh túy nhất, để từ đó người thưởng trà có thể tìm mua những sản phẩm tốt nhất. Theo đó, chất lượng của sản phẩm trà mà Ban Tổ chức Cuộc thi hướng tới không phải chỉ nằm ở chỗ màu nước có xanh, thơm, đậm hay không, mà điều quan trọng là hàm lượng vi chất trong trà đó như thế nào, có đảm bảo an toàn… Qua tìm hiểu tôi được biết, tỷ lệ người Mỹ uống trà rất lớn, khoảng 160 triệu người, chỉ có điều, cách thưởng trà của họ khác với người Việt. Nếu trà của chúng ta đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ thì không có lý gì lại không xâm nhập được vào các nước khác.

P.V: Không dễ để có sản phẩm được tôn vinh tại một Cuộc thi mang tầm quốc tế. Vậy, Hà Thái đã nỗ lực như thế nào để có được thành công đó, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hiền: Sinh ra và lớn lên, tôi đã gắn bó với cây chè và có thể nói, chè đã ngấm vào máu tôi từ bé. Chính vì vậy mà cuộc sống, sự nghiệp của tôi đều gắn liền với loại cây trồng này. Năm 2009, sau khi tìm tòi, nghiên cứu, tôi nhận thấy, chỉ có sản xuất chè sạch theo hướng hữu cơ mới là hướng đi bền vững. Do đó, tôi đã đặt quyết tâm làm chè theo hướng này. Theo đó, tôi đã triển khai mô hình liên kết với các hợp tác xã và các hộ sản xuất có uy tín tại những vùng chè nổi tiếng của tỉnh. Hợp đồng liên kết giữa 2 bên bao tiêu, sản xuất chè sạch. Để nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất chè sạch, chất lượng cao cho các hộ tham gia mô hình, tôi đã mời các chuyên gia trực tiếp tư vấn, tập huấn cho họ. Sản phẩm chè của người dân được Công ty lấy mẫu gửi đi kiểm định thường nhật, mặc dù kinh phí chi trả cho mỗi lần kiển tra này không hề nhỏ.

P.V: Giải Bạc được nhận vào năm 2016 đã có những tác động như thế nào đối với sự phát triển của trà Hà Thái? Và định hướng trong thời gian tới mà Công ty hướng đến là gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hiền: Sau khi được vinh danh tại Cuộc thi Trà vàng tại Bắc Mỹ, sản phẩm trà Hà Thái ngày càng được nhiều người biết đến, đặc biệt là khách hàng nước ngoài và giá bán nhờ đó cũng tăng lên đáng kể. Chính điều này càng thôi thúc Công ty tổ chức quy hoạch vùng nguyên liệu theo hướng mở rộng trên cơ sở đã có và hoàn thiện quy trình sản xuất thực phẩm hữu cơ (Organic). Hiện, Hà Thái có 12 dòng sản phẩm, phục vụ đa dạng nhu cầu của khách, trong đó, sản phẩm cao cấp nhất được bán với giá 1.000 USD/kg. Điều đáng mừng là trà Hà Thái luôn trong tình trạng không đủ để bán, mặc dù Công ty hiện có vùng chè nguyên liệu diện tích 50ha và trong khi năm qua, giá chè của phần lớn người dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh bị giảm thì trà Hà Thái không hề bị ảnh hưởng. Với mục tiêu mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ, hiện Công ty đã liên kết với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Sở Nông nghiệp và PTNT để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con với diện tích 250ha. Khi diện tích chè này đáp ứng đủ các tiêu chuẩn làm chè hữu cơ, Công ty sẽ ký hợp đồng khai thác, để từ đó có thể tự tin ký các hợp đồng với số lượng lớn.

P.V: Thành công của Hà Thái là niềm mơ ước của rất nhiều người làm chè. Nhưng với bà, hẳn vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở?

Bà Nguyễn Thị Hiền: Quả là còn rất nhiều điều khiến tôi trăn trở về sự phát triển cây chè của tỉnh nhà. Trong khi chè đã tạo lên thương hiệu vàng cho Thái Nguyên thì vẫn còn rất nhiều người lại chưa ý thức được tầm quan trọng của việc làm chè sạch. Tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều người vẫn sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu phun, bón cho chè. Những sản phẩm này chỉ có thể bán được ở thị trường nội địa, với người tiêu dùng dễ tính, chứ không thể nào có cơ hội xâm nhập vào thị trường các nước phát triển. Trong khi đó, nhu cầu về các sản phẩm trà trên thế giới là rất lớn. Tôi được biết rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và ngay cả chính Hà Thái đã bị bỏ lỡ nhiều cơ hội ký hợp đồng cung cấp trà với số lượng lớn với các đối tác nước ngoài, chỉ vì không có vùng nguyên liệu đảm bảo. Từ thực trạng này, tôi luôn mong mỏi, các cấp chính quyền, các nhà khoa học phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, người làm chè để cùng sản xuất ra những sản phẩm chè sạch, từ khâu quy hoạch vùng nguyên liệu, đến chăm sóc, chế biến, đóng gói, bảo quản, nhãn mác… Cùng với đó, bản thân mỗi người làm chè, cũng rất cần thay đổi tư duy, nhận thức, để thấy được sự cần thiết của việc làm chè sạch… Từ đó mới mong giúp chè Thái Nguyên giữ gìn và phát huy được thương hiệu “Đệ nhất danh trà” cả trong và ngoài nước.

P.V: Xin cảm ơn bà!