Theo chỉ đạo của Chính phủ và Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) ban hành, chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Công tác tổ chức, giám sát được “phân vai” cụ thể, rõ ràng cho từng vị trí trong kỳ thi… Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT.
P.V: Trước hết, xin ông cho biết trách nhiệm chính của địa phương theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có những điểm mới gì?
Ông Phạm Việt Đức: Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương, trong đó có việc thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; duyệt phương án, kế hoạch và kinh phí tổ chức kỳ thi do Sở GD-ĐT trình; chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Sở GD-ĐT, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh, UBND cấp huyện về tổ chức kỳ thi bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn về kỳ thi do Bộ GD-ĐT ban hành. Quy chế thi đã bổ sung trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo thi cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tất cả các hoạt động chuẩn bị, tổ chức thực hiện kỳ thi theo đúng quy định của Quy chế thi. Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thi phân rõ vai trò của tập thể và cá nhân - đây là việc làm cần thiết để quy trách nhiệm của cá nhân đối với từng công việc cụ thể.
P.V: Về những nhiệm vụ cụ thể của UBND tỉnh và Sở GD-ĐT là gì, thưa ông?
Ông Phạm Việt Đức: Nội dung Quy chế thi phân rõ nhiệm vụ của UBND tỉnh gồm 2 nhiêm vụ chính là:
1. Chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương.
2. Thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; duyệt phương án, kế hoạch và kinh phí tổ chức kỳ thi do sở GD-ĐT trình; giao nhiệm vụ và chỉ đạo Sở GD-ĐT, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức kỳ thi theo đúng Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Nhiệm vụ của Sở GD-ĐT là:
1. Chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành kế hoạch dạy học và đánh giá, xếp loại học sinh ở các trường phổ thông.
2. Trình UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.
3. Tham mưu với Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh để chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại tỉnh theo Quy chế thi và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
4. Chỉ đạo, tổ chức đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi; chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thi cho các thí sinh học môn Ngoại ngữ theo chương trình thí điểm được Bộ GD-ĐT cho phép để sử dụng kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
5. Chủ trì thành lập, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng thi và các ban của Hội đồng thi; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi.
6. Báo cáo Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức kỳ thi, những vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức kỳ thi.
7. Tổ chức bàn giao Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh.
8. Tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh; công bố công khai phổ điểm các bài thi, môn thi thành phần, đối sánh điểm thi trung bình các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học tương ứng của năm học lớp 12 của các trường phổ thông trong tỉnh.
9. Thực hiện việc khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức, giáo viên, thí sinh trong phạm vi quyền hạn theo quy định; đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật theo quy định của Quy chế thi và các quy định của pháp luật đối với những người tham gia làm công tác thi; lưu trữ hồ sơ của kỳ thi theo quy định.
10. Phối hợp với sở Tài chính và các cơ quan liên quan trình UBND tỉnh về việc bảo đảm kinh phí tổ chức kỳ thi.
P.V: Ông có thể cho biết rõ hơn về việc các trường đại học và Thanh tra tỉnh có vai trò như thế nào khi tham gia các hoạt động của kỳ thi này?
Ông Phạm Việt Đức: Quy chế thi năm nay nêu rõ: Các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi; chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi.
Ngoài các đoàn thanh tra của Bộ GD-DT và sở GD-ĐT, Thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
P.V: Dư luận có băn khăn về việc hậu kiểm sau khi thi, như vậy có ảnh hưởng đến kết quả thi của thí sinh hay không, thưa ông?
Ông Phạm Việt Đức: Thực chất việc hậu kiểm là một khâu của các kỳ thi. Hậu kiểm không chỉ đánh giá chất lượng kỳ thi mà còn đánh giá chất lượng tổ chức thi và chấm thi. Trong Quy chế thi năm nay có quy định cụ thể hơn về công việc này là thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của các thí sinh. Mục đích chính của việc này là để các cơ sở giáo dục có được những thông số đánh giá chất lượng dạy và học của mình, từ đó có những biện pháp tốt hơn trong tổ chức dạy và học cho các năm tiếp theo, chứ không phải để tìm ra những “bất thường” của kỳ thi.
P.V: Xin cảm ơn ông!