"Kích hoạt" nhiều biện pháp cùng lúc

16:34, 09/08/2020

Kể từ khi trong nước xuất hiện “làn sóng” dịch COVID-19 thứ hai đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa phát hiện bệnh nhân mới dương tính với vi rút SARS-CoV-2 trong cộng đồng, chưa phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn chú trọng đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch với tinh thần cao nhất. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh. 

P.V: Trước hết, ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam hiện nay?

Ông Đặng Ngọc Huy: Sau 99 ngày an toàn, ngày 25/7/2020, Việt Nam lại bước vào “làn sóng” dịch COVID-19 mới khi phát hiện có ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại T.P Đà Nẵng. Từ đó đến nay, số ca nhiễm mới đang tăng lên nhanh chóng, lan ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Thực tế này cho thấy, dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp, nhất là khi xuất hiện một số trường hợp có bệnh nền, khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đã tử vong. Tuy nhiên, với nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh quyết liệt của các cấp, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, đến nay tình hình ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang được kiểm soát.

Dù vậy, theo dự báo, trong những ngày tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng qua xét nghiệm và nhiều khả năng sẽ còn các ca tử vong là những bệnh nhân nặng có bệnh lý nền kèm theo như suy thận mãn đang phải chạy thận nhân tạo, tim mạch... Bởi vậy, như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch COVID19 vào ngày 8-4: “Cuộc chiến với COVID-19 còn dài, đến khi có vaccine, thuốc đặc trị. Chúng ta mới thắng từng trận đánh, từng chiến dịch chứ chưa thắng cả cuộc chiến”. 

P.V: Xin ông cho biết, tỉnh ta có nguy cơ gì trong “làn sóng” dịch thứ hai này?

Ông Đặng Ngọc Huy: Thái Nguyên là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy giữa các tỉnh trong khu vực, mật độ đi lại, di chuyển giữa các vùng qua Thái Nguyên rất lớn. Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh lại có 6 khu công nghiệp và nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động với số lượng công nhân, người lao động làm việc và lưu trú trên địa bàn lên đến hơn 103 nghìn người. Đặc biệt, Thái Nguyên còn có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề với số lượng sinh viên lớn (gồm cả sinh viên trong và ngoài nước). Có nhiều chuyên gia, lưu học sinh nước ngoài đến làm việc và học tập...

Ngoài ra, tỉnh đã từng có ca bệnh dương tính trong giai đoạn trước (bệnh nhân số 178, phát hiện dương tính với COVID-19 vào cuối tháng 3 vừa qua).

Có một thực tế đáng lo ngại nữa là ý thức tự giác của một bộ phận người dân Thái Nguyên trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa cao. Những ngày qua, khảo sát tại một số điểm tập trung đông người, nhất là trong các khu chợ, lực lượng chức năng của tỉnh vẫn phát hiện các trường hợp người dân không đeo khẩu trang...

Căn cứ diễn biến dịch bệnh trong cả nước hiện nay và những yếu tố nêu trên, hiện tại Thái Nguyên là tỉnh ở mức có nguy cơ đối với dịch COVID-19.

P.V: Về những giải pháp của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Ngọc Huy: Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dịch bệnh ở T.P Đà Nẵng thời gian qua là lời cảnh báo rất nghiêm khắc cho tất cả các bệnh viện, các địa phương, các ngành, các cấp. Bởi vậy, với tinh thần phòng chống dịch cao nhất, thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong việc thống nhất giữa nhận thức và hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân; bảo đảm thực hiện tốt ba nhiệm vụ trọng tâm “vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp”; đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống dịch...

Cùng với đó là làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân không chủ quan nhưng cũng không hoang mang với dịch bệnh; rà soát, quản lý tốt các trường hợp đi về từ vùng dịch. Đồng thời, “kích hoạt” các hoạt động của đội phản ứng nhanh các cấp để kịp thời xử lý các tình huống diễn biến của dịch; tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh; xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Đặc biệt, tăng cường hoạt động của tổ công tác tự quản tại xóm, bản, tổ dân phố, thực hiện đi từng ngõ, gõ từng nhà nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Một trong những nhiệm vụ tiếp tục được quan tâm là yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tiếp nhận, sàng lọc, phân luồng, cách ly, điều trị bệnh nhân và đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm nhanh, gọn, hiệu quả; hạn chế chuyển người bệnh lên tuyến trên, tăng cường chỉ định điều trị ngoại trú... Tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi nhiễm, tổ chức cách ly y tế đối với các đối tượng đúng quy định...

P.V: Xin cảm ơn ông!