Cần phân biệt rõ xã hội hóa giáo dục để chống lạm thu

16:18, 30/10/2020

Vào dịp đầu năm học, dư luận xã hội lại “nóng” lên về vấn đề lạm thu và huy động phụ huynh đóng góp các khoản cho nhà trường. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi vấn đề này với ông Đào Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về vấn đề xã hội hóa giáo dục và chống lạm thu trong các nhà trường.

PV: Xung quanh vấn đề các nhà trường huy động các khoản thu đầu năm học đối với học sinh khiến cho không ít phụ huynh bức xúc, ông nhận định như thế nào về vấn đề này? 

Ông Đào Xuân Tân: Hiện vẫn còn tình trạng chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục, dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi thực hiện xã hội hóa, tài trợ của các cơ sở giáo dục. Năm nào cũng vậy, mỗi dịp đầu năm học mới vấn đề lạm thu lại tái diễn, mặc dù các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng đã vào cuộc, đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra và có hình thức kỷ luật rất thích đáng đối với các cá nhân và tập thể vi phạm. Khi thực hiện xã hội hóa các cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch, báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp, thông báo công khai tới từng cha mẹ học sinh...; các khoản thu thỏa thuận phải đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập của người dân trên từng địa bàn dân cư; việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Việc sử dụng các khoản thu thỏa thuận, tài trợ phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích. Các cơ sở giáo dục không được thu gộp nhiều khoản thu vào đầu năm học, không được lợi dụng việc xã hội hóa để lạm thu.

Trên thực tế khi ngân sách Nhà nước còn hạn chế, thì việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, một số địa phương, nhà trường chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục, dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi thực hiện xã hội hóa, tài trợ đối với cơ sở giáo dục. Đây là lý do dẫn tới tình trạng một số nơi, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã thực hiện chưa đúng quy định, để xảy ra tình trạng lợi dụng ban đại diện cha mẹ học sinh, tình trạng áp đặt, cào bằng để thu tiền....

PV: Ông có thể nói rõ hơn về những quy định chấn chỉnh, chỉ đạo chống lạm thu trong các cơ sở giáo dục?

Ông Đào Xuân Tân: Để hạn chế lạm thu, năm nào ngành GD&ĐT và UBND tỉnh cũng ban hành rất sớm các văn bản để hạn chế lạm thu, cụ thể như: Công văn số 1620/BGDĐT-KHTC ngày 11/5/2020 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2020-2021, chỉ đạo điều hành giá năm 2020; Công văn số 13281/BGDĐT-KHTC, ngày 27/8/2020 của Bộ GD&ĐT về việc chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020-2021 và đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Công văn 4021/UBND-KGVX ngày 16/10/2020 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc chỉ đạo chấn chỉnh thực hiện nghiêm các khoản thu năm học 2020-2021; Công văn số 1849/SGDĐT-KHTC ngày 4/9/2020 của Sở GD&ĐT Thái Nguyên về việc thực hiện các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2020-2021... Trong đó nêu các vấn đề cụ thể, yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương, phòng GD&ĐT, đặc biệt đối với người đứng đầu các cơ sở giáo dục để chấn chỉnh tình trạng này. Tuy nhiên, qua thanh tra, nắm bắt dư luận xã hội, tình trạng lạm thu, thu chưa đúng ở một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra. Điều đó cho thấy tư duy, cách thức thu và quản lý tài chính huy động từ nguồn xã hội hóa vẫn trong tình trạng nhà trường áp đặt, cào bằng với cha mẹ học sinh, các nhà tài trợ. Huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện.

PV: Để hạn chế tình trạng lạm thu trong trường học, giải pháp mà ngành GD&ĐT sẽ triển khai trong thời gian tới là gì?

Ông Đào Xuân Tân: Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục phổ biến các văn bản liên quan đến việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục, xây dựng các văn bản chỉ đạo chống lạm thu; tiếp nhận thông tin phản ánh về tình trạng lạm thu qua các kênh thông tin, nhất là qua đường dây nóng để chỉ đạo và giải quyết kịp thời; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục đó khi để xảy ra tình trạng lạm thu. Đặc biệt tăng cường sự giám sát của nhân dân, sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương...

PV: Xin cảm ơn ông!



áo thun công ty Mẫu áo lớp Hải AnhChứng chỉ ielts là gì