Hiện nay đã bước vào mùa khô hanh, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy tại một số khu rừng trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình trên, đâu là giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
P.V: Trước tiên, ông có thể cho biết đôi nét về thực trạng rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Vũ Văn Phán: Theo Quyết định số 1423/QĐ-BNN-TCLN ngày 15/4/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2019, toàn tỉnh có tổng diện tích rừng là hơn 187.500ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên có gần 76.500ha; diện tích rừng trồng là hơn 111.000ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,6%. Diện tích rừng trên có vai trò quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ môi trường, sinh thái, làm đẹp cảnh quan và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
P.V: Thưa ông, trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra bao nhiêu vụ cháy rừng và nguyên nhân là gì?
Ông Vũ Văn Phán: Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ cháy rừng, với tổng diện tích bị thiệt hại là 5,5ha rừng trồng keo tại Đại Từ và T.P Sông Công. Theo kết quả điều tra, nguyên nhân xảy ra các vụ cháy rừng đều do con người gây ra, như: xử lý thực bì trồng rừng gây cháy lan; trẻ em đốt lửa sưởi ấm ở rừng; đốt lửa bắt ong trong rừng…
P.V: Để công tác phòng cháy, chữa cháy rừng thực sự có hiệu quả, theo ông đâu là giải pháp?
Ông Vũ Văn Phán: Để công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) thực sự có hiệu quả, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc PCCCR rừng tại cơ sở. Trong mùa khô cao điểm, khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V, các lực lượng chức năng cần duy trì chế độ thường trực 24/24 nhằm kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu nguy cơ bị cháy rừng hoặc phát hiện địa điểm cháy kịp thời. Khi phát hiện đám cháy rừng, phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy, xử lý kịp thời không để cháy lan. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm cũng thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm, qua đó xác định được cấp dự báo cháy rừng để có biện pháp phòng ngừa. Việc thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng liên ngành như Kiểm lâm, Quân đội, Công an và các tỉnh giáp ranh cũng là một trong những giải pháp PCCCR hiệu quả.
P.V: Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong công tác PCCCR được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Văn Phán: Với phương châm “phòng là chính, chữa cháy rừng phải kịp thời, nhanh gọn, hiệu quả”, những năm qua, Chi cục Kiểm lâm luôn coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Chi cục đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên thực hiện các chuyên mục về công tác PCCCR, cảnh báo nguy cơ cháy rừng khi dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Cùng với đó, Chi cục chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành, thị chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác PCCCR theo quy định của pháp luật; trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCCR như: Dọn dẹp thực bì, làm đường băng cản lửa, xây dựng các công trình PCCCR.
P.V: Ông có khuyến cáo gì đối với các cá nhân, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR trong mùa khô hanh năm nay?
Ông Vũ Văn Phán: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết mùa khô hanh năm 2020 diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn có thể kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Để chủ động PCCCR, chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các ngành và lực lượng chức năng thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp cũng như Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với đó, UBND các huyện, thành, thị củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện, cấp xã, tổ, đội bảo vệ rừng và PCCCR ở thôn, xóm theo phương châm 4 tại chỗ. Đối với chủ rừng cần thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, chủ động có biện pháp bảo vệ diện tích rừng được giao. Đặc biệt trong mùa khô hanh, bà con tuyệt đối không được mang lửa vào rừng, không hút thuốc lá hay đốt ong trong rừng.
P.V: Xin cảm ơn ông!