Quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan

13:16, 16/11/2020

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại một số địa phương trong tỉnh khiến các hộ chăn nuôi lo lắng. Trước thực trạng đó, các địa phương và ngành chức năng cần triển khai những biện pháp gì để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi, phòng tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp - PTNT).

P.V: Trước hết, ông có thể cho biết diễn biến tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Lê Đắc Vinh: Trong tháng 10 và tháng 11, trên địa bàn tỉnh đã tái phát dịch tả lợn châu Phi tại 3 địa phương. Cụ thể, ổ dịch xảy ra ngày 16-10 tại một hộ chăn nuôi ở xã Phú Đình (Định Hóa), số lợn bị tiêu hủy là 50 con, trọng lượng hơn 1,2 tấn. Đến ngày 3-11, xuất hiện ổ dịch tại các xã Nam Tiến, Đông Cao, Minh Đức (T.X Phổ Yên). Tổng số lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy là 140 con với trọng lượng 6,3 tấn. Còn tại T.X Sông Công, dịch xảy ra từ ngày 8-11 tại một hộ chăn nuôi ở xã Bình Sơn, số lợn tiêu hủy là 111 con, trọng lượng gần 2 tấn. 

P.V: Vậy, ông nhận định như thế nào về nguy cơ dịch tái phát trong thời gian tới?

Ông Lê Đắc Vinh: Hiện nay, ổ dịch tại huyện Định Hóa đã được khống chế, không phát sinh lây lan, đủ điều kiện công bố hết dịch. Còn ổ dịch tại T.P Sông Công và T.X Phổ Yên tình hình dịch có chiều hướng diến biến phức tạp, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết, khí hậu giao mùa, mưa rét, sức đề kháng của vật nuôi giảm… đàn lợn nuôi tại nông hộ, nhỏ lẻ chưa áp dụng được đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thêm vào đó, việc vận chuyển, buôn bán con giống để vào đàn mới nhằm cung ứng nguồn thực phẩm trong dịp cuối năm gia tăng nên nguy cơ dịch bệnh tái phát trở lại và lây lan trên diện rộng trong thời gian tới rất cao.

P.V: Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản đã phối hợp với các địa phương có dịch triển khai những giải pháp khẩn cấp gì thưa ông? 

Ông Lê Đắc Vinh: Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã phối hợp với UBND các huyện, thành, thị triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, như: Tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi thu gom phân, rác, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, thực hiện phun hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực ổ dịch với cường độ cao, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại tiêu diệt mầm bệnh. Cùng với đó, thực hiện công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn các xã Phú Đình (Định Hóa), Đông Cao, Nam Tiến (T.X Phổ Yên) và xã Bình Sơn (T.P Sông Công); ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch; tham gia đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp - PTNT về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.

P.V: Vậy còn công tác giám sát tình hình dịch bệnh và khử trùng tiêu độc, một trong những khâu quan trọng nhằm hạn chế lây lan ổ bệnh được triển khai thế nào, thưa ông? 

Ông Lê Đắc Vinh: Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; nghiêm cấm việc giấu dịch, chữa trị lợn mắc bệnh trong vùng dịch, vứt xác lợn ốm, chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh. Về phía chính quyền địa phương cũng đã thành lập các tổ, đội xung kích của xóm để kiểm tra, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ ổ dịch, kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện tại, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã thực hiện cấp phát cho các huyện, thành, thị 4.800 lít hóa chất; các địa phương đã chủ động vệ sinh sát trùng bằng vôi bột tại khu vực xung quanh chuồng nuôi, đường làng, ngõ xóm và phun khử trùng tiêu độc bằng hóa chất sát trùng. Đồng thời, thực hiện công tác tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cấp độ cao tại ổ dịch và trên toàn địa bàn T.X Phổ Yên, T.P Sông Công.

P.V: Ông có khuyến cáo gì đối với các hộ chăn nuôi lợn thời điểm này?

Ông Lê Đắc Vinh: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cơ sở chăn nuôi không được lơ là, cần thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định. Cùng với đó, phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, thu gom phân rác; vệ sinh; khử trùng toàn bộ chuồng trại; rắc vôi bột hành lang khu vực chăn nuôi. Đặc biệt, cần vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trước khi vào cơ sở chăn nuôi...

P.V: Xin cảm ơn ông!