Quản lý, cách ly chặt chẽ người nhập cảnh

10:21, 11/01/2021

Những ngày cuối năm, số lượng công dân của Thái Nguyên từ Trung Quốc về theo hướng các tỉnh biên giới phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn) tăng mạnh. Đây là những trường hợp đi lao động tại nước bạn, có nhu cầu trở về quê ăn Tết cùng gia đình. Để tìm hiểu rõ hơn về công tác quản lý và quy trình cách ly những trường hợp nhập cảnh nhằm phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.

P.V: Trước hết, ông đánh giá như thế nào về tình hình người dân nhập cảnh vào Thái Nguyên hiện nay? 

Ông Đặng Ngọc Huy: Theo thông báo của Bộ Tư lệnh Quân khu 1, thời gian qua, số lượng công dân Việt Nam từ Trung Quốc về qua hướng Cao Bằng tăng đột biến. Do vậy, các vị trí cách ly tập trung người nhập cảnh tại tỉnh này đã quá tải nên những công dân cần cách ly tập trung được đưa về các tỉnh trên địa bàn Quân khu 1 để thực hiện cách ly, như: Bắc Kạn, Thái Nguyên... Với chủ trương như vậy, chiều ngày 6-1, Thái Nguyên đã tiếp nhận 192 công dân, với nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi. Các trường hợp này đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng phối hợp với Sở Y tế lập danh sách, phân loại và trực tiếp đưa bằng ô tô về Thái Nguyên bàn giao tại khu cách ly. 

Tôi cho rằng, với chiều hướng như hiện nay, các trường hợp là công dân Việt Nam đi lao động tại Trung Quốc trở về quê ăn Tết sẽ còn tăng hơn trong thời gian tới. Do đó, tỉnh đã có phương án sẵn sàng đón tiếp những trường hợp này theo điều động của Quân khu 1 để đưa vào khu vực cách ly, bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả.

P.V: Vậy, tỉnh Thái Nguyên đã chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực như thế nào để thực hiện cách ly các trường hợp nhập cảnh vào Thái Nguyên, thưa ông?

Ông Đặng Ngọc Huy: Ngay ngày đầu năm 2021, công tác chuẩn bị của tỉnh tại khu vực cách ly đã hoàn tất. Theo đó, lực lượng nhận nhiệm vụ tại các khu vực cách ly là cán bộ của lực lượng quân đội, công an, y tế, ngoại vụ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… Trong đó, lực lượng nòng cốt là cán bộ các ngành Y tế, quân đội và công an. Các cán bộ này đã được phân công nhiệm vụ cụ thể trong việc quản lý, giám sát, chăm sóc các trường hợp cách ly.

Về địa điểm cách ly, chúng tôi đã kích hoạt lại toàn bộ hoạt động của Sở Chỉ huy khu vực cách ly phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung đoàn 832 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên (đóng tại địa bàn xã Lục Ba, huyện Đại Từ). Nơi này đã bố trí sẵn sàng, đủ điều kiện phục vụ cách ly đối với 200 người và có dự phòng cho 30 người.

Ngay trước khi đón các trường hợp từ Cao Bằng về cách ly, Trung đoàn 832 đã sắp xếp các khu vực cách ly, trạm gác, khu vực nấu ăn, bổ sung bảng, biểu chỉ dẫn, phương tiện hậu cần; dọn vệ sinh sạch sẽ các phòng, ở, sân, đường đi và chuẩn bị đẩy đủ chăn, màn, giường chiếu cho công dân; phun tẩy sạch sẽ trong và ngoài khu vực cách ly, khu vực bếp ăn, vệ sinh; chuẩn bị khu vực xử lý rác thải. Đồng thời, bố trí khu làm việc của Sở Chỉ huy, khu làm việc của cán bộ y tế, quân đội, công an trong khu vực cách ly bảo đảm thuận tiện… Các công dân cách ly tập trung tại đây phải tự chi trả các chi phí sinh hoạt, xét nghiệm. 

P.V: Cách ly là yêu cầu bắt buộc đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Vậy, quy trình cách ly các trường hợp nêu trên được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Ngọc Huy: Quy trình nhập cảnh, đón, cách ly và theo dõi, giám sát các trường hợp trên đều được các cơ quan chuyên môn y tế thực hiện đúng các quy định hiện hành. Trong thời gian cách ly, công dân thực hiện xét nghiệm 3 lần: Lần 1 được lấy vào ngày thứ nhất, lần 2 vào ngày thứ 6 và lần 3 vào ngày thứ 14 của đợt cách ly, tất cả xét nghiệm được làm tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Công tác giám sát kiểm tra thân nhiệt, theo dõi sức khỏe của người cách ly tập trung được cán bộ y tế thực hiện thường xuyên hằng ngày; kịp thời xử trí các tình huống xảy ra trong khu cách ly theo quy định. 

Tại khu vực cách ly tập trung, các trường hợp cách ly phải có trách nhiệm phối hợp với cán bộ y tế để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và chỉ được rời khỏi khu cách ly nếu kết quả xét nghiệm lần cuối âm tính với virus SARS-CoV-2 và được cách ly đủ 14 ngày; có giấy xét nghiệm 3 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 và có quyết định hoàn thành cách ly y tế do Sở Y tế cấp giấy chứng nhận. 

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành cách ly tập trung, các trường hợp này khi trở về địa phương vẫn tiếp tục được theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày tại nơi cư trú. Các địa phương có công dân đã thực hiện đủ thời thời gian cách ly tập trung tiếp tục phối hợp với lực lượng y tế để giám sát, báo cáo trong trường hợp các công dân này có bất thường về sức khỏe để xử lý kịp thời. 

P.V: Xin cảm ơn ông!